Thị trường chứng khoán nhộn nhịp đầu năm mới khi nhiều doanh nghiệp lớn đưa cổ phiếu lên sàn như Vietnam Airlines, Tập đoàn dệt may VN, công ty FPT...
Sự xuất hiện của Vietnam Airlines trên sàn đã góp phần khấy động thêm không khí giao dịch của sàn UPCoM nói riêng và thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung. Không dừng lại ở đó, sáng nay 5.1 sẽ có thêm hơn 538 triệu CP của CTCP hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) mang mã MCH được giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 90.000 đồng/CP. Như vậy, vốn hóa thị trường của Masan Consumer sẽ đạt 48.420 tỉ đồng, tương đương 2,1 tỉ USD. Kế tiếp, vào ngày 13.1 tới sẽ có hơn 564,4 triệu CP của Ngân hàng TMCP Quốc tế VN được giao dịch với mã VIB. Giá tham chiếu trong ngày đầu tiên là 17.000 đồng/CP, giúp VIB có vốn hóa thị trường đạt gần 9.600 tỉ đồng; hơn 137 triệu CP của CTCP viễn thông FPT với mã FOX cũng giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 54.000 đồng/CP. Như vậy vốn hóa thị trường của FOX đạt 7.402 tỉ đồng... Ngoài ra còn hàng loạt CP khác cũng lần lượt đưa vào giao dịch trên UPCoM như CTCP ICD Tân Cảng Sóng Thần, CTCP đầu tư phát triển Sài Gòn Co.op, Ngân hàng Kiên Long...
Theo ông Võ Hữu Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt, dù chỉ mới lên giao dịch trên UPCoM nhưng CP của các công ty có vốn hóa tỉ USD đã tạo ra thêm nhiều cơ hội lựa chọn mới cho các nhà đầu tư (NĐT) trên TTCK. Bởi đây là những CP được đánh giá tiềm năng do thương hiệu nổi tiếng, quy mô lớn và kinh doanh dẫn đầu trong ngành. Bên cạnh đó, việc đưa CP vào giao dịch tập trung cũng tạo ra những thay đổi ban đầu về quản trị, hoạt động công bố thông tin… là cơ sở để các doanh nghiệp (DN) tiến đến minh bạch hóa như mong đợi của các cổ đông nói riêng và nền kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, thị trường có thêm nhiều CP mới, là cơ hội cho các NĐT có thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên, có nhiều NĐT e ngại, các CP lớn xuất hiện khiến cho những CP của các DN quy mô nhỏ hơn bị lép vế và mất đi sự hấp dẫn. Tuy nhiên theo ông Tuấn, chính điều này sẽ làm tăng sự cạnh tranh trên thị trường. Bản thân các DN khác sẽ cố gắng hướng hoạt động của mình đi vào chiều sâu, gia tăng hiệu quả để có thể tạo nên sự hấp dẫn trong mắt NĐT.
Ông Nguyễn Hoàng hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), cũng đồng tình rằng nhiều “đại gia” đã chịu lên sàn là những thông tin tốt cho thị trường. Việc nhiều DN nhà nước sau cổ phần hóa lên sàn dồn dập vào thời điểm đầu năm có một phần lý do là chịu sức ép phải lên sàn từ trong năm 2016. “Quy định buộc các DN sau cổ phần hóa phải niêm yết là một bước đi thành công. Ngoài việc DN niêm yết thông tin sẽ công khai, minh bạch hơn, thì cổ đông được đảm bảo quyền lợi nhờ giá CP bám sát thị trường hơn. Thay vì mù mờ thông tin doanh nghiệp, hằng năm, các NĐT có đại hội đồng cổ đông để đối thoại, thông qua đó giám sát hoạt động của HĐQT và ban giám đốc điều hành chặt chẽ hơn”, ông phân tích.
Không để niêm yết "ẩn mình"
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều chưa như mong muốn là tính thanh khoản của các CP trên sàn UPCoM còn quá thấp do tỷ lệ sở hữu của nhà nước ở một số đơn vị còn quá lớn. Giám đốc đầu tư của một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, CP có hút tiền hay không nhờ yếu tố hàng đầu là tính thanh khoản, nhưng tính thanh khoản trên sàn UPCoM bị hạn chế khá nhiều. Theo đó, hiện có 422 DN đang giao dịch trên sàn UPCoM với giá trị vốn hóa ở mức 366.000 tỉ đồng, gấp 2 lần sàn Hà Nội. Tuy nhiên tổng giá trị giao dịch chưa đến 1/4. Giá trị giao dịch của NĐT nước ngoài cũng còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức vài chục tỉ đồng. “Điều này sẽ còn hạn chế đến hoạt động huy động vốn của DN. Bởi nếu CP không có tính thanh khoản cao, thì DN sẽ gặp khó khăn trong thu hút NĐT phát hành CP tăng vốn, mở rộng sản xuất, đầu tư; DN mất đi cơ hội phát triển”, ông nói.
Theo Ủy ban Chứng khoán, còn đến 777 công ty đại chúng chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch CP. Vì vậy, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, DN lên sàn đã là động thái tích cực, song cổ đông cần phải tiếp tục tăng cường giám sát, đấu tranh, vận động để DN phải chuyển sang niêm yết ở sàn giao dịch chính, không để xảy ra tình trạng “ẩn mình” niêm yết đối phó. Ông Võ Hữu Tuấn nhận xét, tính thanh khoản thấp còn khiến CP bị đầu cơ làm giá trong thời gian đầu khi lên sàn quá cao. “Hầu như kịch bản đã xảy ra cho các CP lớn gần đây là tăng mạnh trong nhiều phiên liên tiếp và sau đó lại tụt giảm không phanh. Việc tăng giảm quá mạnh trong thời gian ngắn mang lại rủi ro cho các NĐT lẫn TTCK vì dễ tạo ra bong bóng thị trường”, ông Võ Hữu Tuấn nhận định.
Ông Võ Hữu Tuấn cho rằng, để “làm lớn” và để TTCK trở thành kênh đầu tư hấp dẫn cho các NĐT, cũng như tạo thành kênh dẫn vốn chính trong nền kinh tế, cần thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, nhà nước cần nhanh chóng thoái vốn ở các DN nhà nước, đặc biệt là các DN đã đưa CP lên sàn như Sabeco, Vietnam Airlines… để có thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, góp phần tăng tính công khai, minh bạch, hướng các DN hoạt động hiệu quả hơn. Cần thiết phải thu hút thêm đối tác chiến lược nước ngoài để gia tăng quy mô của thị trường. Nếu các CP mới gia nhập thị trường được đánh giá tốt thì sẽ thu hút được NĐT tham gia, nhất là dòng vốn đầu tư nước ngoài mà không sợ thị trường bị dư cung./.
Theo Hồng Sương - Mai Phương/Thanh Niên