Dù thu hẹp dòng xe sản xuất nhưng nếu sản lượng mỗi năm giữ được ở mức khoảng 50.000 xe thì doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất tại Việt Nam.

 


Đại diện Toyota Việt Nam (TMV) cho hay doanh nghiệp này đã quy hoạch lại chiến lược sản xuất theo hướng thu hẹp dòng xe, từ 5 dòng xuống còn 4 để tập trung tăng sản lượng cho 4 dòng chủ lực này. "Chúng tôi đang tiếp tục cân nhắc để quy hoạch chỉ từ 2 đến 3 mẫu xe và thay vào đó là tăng sản lượng từng dòng. Nếu giữ được số lượng khoảng 50.000 xe như vừa qua thì TMV vẫn duy trì sản xuất ở Việt Nam", ông nói.

Còn đại diện Honda Việt Nam cho hay dung lượng thị trường Việt Nam “mỏng” nên duy trì sản xuất trong nước rất khó khăn. Vì thế Honda Việt Nam chỉ tập trung sản xuất trong nước những dòng xe có lợi thế về sản lượng, song song với nhập khẩu. “Từ nay đến 2018, Honda sẽ chỉ sản xuất, lắp ráp các dòng xe Honda City, CRV, một số dòng xe khác sẽ chuyển sang nhập khẩu”, đại diện Honda Việt Nam chia sẻ.

Ông Phạm Văn Dũng, Công ty Ford Việt Nam cũng tiết lộ kế hoạch trong tương lai của Ford là chỉ tập trung vào 1-2 dòng xe có sản lượng lớn và có cơ hội xuất khẩu sang nước khác.

Nhìn nhận việc thu hẹp dòng xe để tăng số lượng là hướng đi đúng trong bối cảnh cạnh tranh, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận xét, mỗi doanh nghiệp chỉ nên tập trung 1-2 mẫu, những dòng mà các nước trong khu vực không lắp ráp. "Nói cách khác, là làm sao người tiêu dùng trong nước muốn mua xe đó thì chỉ mua được từ Việt Nam. Có như vậy mới mong tăng dung lượng thị phần", ông Hải khẳng định, đồng thời dẫn chứng, số lượng xe tăng gấp 3 lần trong 3 năm qua là chỉ dấu quan trọng cho thấy thị trường hứa hẹn còn tăng trưởng mạnh và là sự đảm bảo cho các nhà đầu tư.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu quan điểm của cơ quan quản lý là kiên trì phát triển sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ. "Nhà nước cố gắng tạo dựng được thị trường với dung lượng đủ để doanh nghiệp cạnh tranh được cũng như có giải pháp hỗ trợ các nhà sản xuất để giảm giá thành", ông nói và dẫn chứng việc mới đây đã đề xuất chính sách thuế theo hướng giảm giá với linh kiện nhập khẩu.

Cũng tại buổi toạ đàm, ông Phạm Văn Dũng, Công ty Ford Việt Nam cho rằng hiện chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực 20%. Ông đơn cử, thuế nhập khẩu với linh kiện là hộp số, động cơ vẫn ở mức 20-30% khiến doanh nghiệp lắp láp trong nước cũng bất lợi.

Dẫn chứng câu chuyện với xe Fortuner của Toyota, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco cho hay, mặc dù thuế nhập khẩu linh kiện nội khối chỉ còn 5%, song TMV chọn nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia về bán với thuế nhập khẩu 30% vì sản xuất ở đó vẫn rẻ hơn Việt Nam khoảng 20%. Do vậy, trong bối cảnh xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm thuế về 0% thì sản xuất trong nước càng khó khăn. "Một số nước đã mạnh dạn ký xác nhận xuất xứ để hỗ trợ xuất khẩu. Nếu Việt Nam không kiểm soát được gian lận xuất xứ thì bất lợi càng lớn", ông Dương lo ngại.

Thừa nhận hạn chế của ngành công nghiệp ôtô là ở tỷ lệ nội địa hóa thấp khiến giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực nhưng chất lượng xe không bằng xe nhập khẩu, ông Trương Thanh Hoài chỉ ra nguyên nhân chính ở chỗ dung lượng thị trường hạn chế trong khi số lượng doanh nghiệp lại nhiều và nhất là chính sách thuế phí 10 năm thay đổi thường xuyên.

Lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng trấn an, Bộ Công Thương đang bàn với Bộ Tài chính nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao. Cùng với đó, cơ quan này dự kiến đưa ra các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, như biện pháp bảo hộ hợp lý thị trường trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật; chống gian lận thương mại như giá khai báo thuế, gian lận tỷ lệ nội địa nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan; hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn…
 

Theo Anh Minh/vnexpress

.