Liên quan đến việc người dân căng băng rôn, biểu ngữ tụ tập trước trụ sở Sacombank chi nhánh Bắc Ninh để đòi “sổ đỏ”, PV Dân trí đã vào cuộc tìm hiểu và ghi nhận tình cảnh bi đát của những hộ dân trót tin lời và nhận “chết thay” cho công ty thép Hương Thịnh.
Trước đó, ngày 30/7, nhiều người dân ở huyện Yên Phong và TX Từ Sơn (Bắc Ninh) đã tụ tập trước trụ sở Sacombank chi nhánh Bắc Ninh trên đường Trần Phú - TX Từ Sơn, với những dải băng rôn “yêu cầu Sacombank trả tài sản”.
|
Ngày 8/8, TX Từ Sơn mưa rất to, các hộ dân đã không còn đứng trước trụ sở Sacombank |
Đây là những hộ dân, đại diện cho 10 hộ đã thế chấp 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) cho Sacombank để “bảo lãnh” cho khoản vay của Công ty Cổ phần Thép Hương Thịnh (có trụ sở tại Cụm công nghiệp Hoàng Ninh (xã Hoàng Ninh - Việt Yên - Bắc Giang) tại ngân hàng này.
Theo ghi nhận của PV Dân trí ngày 8/8, người dân đã thôi tụ tập trước trụ sở ngân hàng Sacombank chi nhánh Bắc Ninh sau khi được các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và đại diện Sacombank giải thích, vận động. Các hộ dân cho biết, mặc dù mối lo lắng vẫn luôn thường trực từng ngày, họ yên tâm hơn khi được khẳng định vụ việc sẽ được giải quyết theo đúng pháp luật.
|
Trước diễn biến này, ngày 8/8 PV báo Dân trí đã tiếp xúc với người dân, cơ quan chức năng và đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp liên quan để tìm hiểu thông tin về sự việc.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Luyện (trú tại Mận Xá - Long Châu - Yên Phong - Bắc Ninh) - một trong mười người tin tưởng giao “sổ đỏ” của gia đình thế chấp vào ngân hàng Sacombank Bắc Ninh - cho biết: Xuất phát từ nhu cầu muốn vay vốn làm ăn nhưng vay cá nhân gặp khó khăn, anh được một người tên Miền (ở cùng xã Long Châu) đứng ra giới thiệu với Cty Thép Hương Thịnh.
“Tôi không hề biết gì về Cty Hương Thịnh này, cũng không biết công ty hoạt động ra sao nhưng anh Miền hứa hẹn tôi giao sổ đỏ thì một tuần sau sẽ chuyển cho tôi vay 1 tỷ đồng trong vòng 3 - 5 năm với lãi suất ưu đãi. Để tạo niềm tin, anh Miền giới thiệu mình là nhân viên một ngân hàng trên địa bàn, thậm chí đi cùng xe với chúng tôi còn xuống xe trước trụ sở ngân hàng đó bảo là cơ quan tôi ở đây”, anh Luyện cho biết.
Theo xác minh của PV, việc hứa hẹn này không chỉ bằng miệng, mà còn thể hiện trên các văn bản của Công ty Hương Thịnh.
Khi người dân còn bán tín bán nghi vì chưa một lần tiếp xúc với công ty ở tận Bắc Giang, người đàn ông tên Miền lập tức xuất hiện tại gia đình các hộ dân cùng ông Ngụy Tôn Thanh - là chuyên viên quản lý nợ của Sacombank Bắc Ninh.
“Anh Thanh có hỏi tôi về số tiền muốn vay và mục đích vay tiền rồi thẩm định giá trị miếng đất tôi đang sinh sống có giá 1,5 tỷ đồng. Dù chưa hề gặp người đại diện cho Cty Hương Thịnh nhưng thấy cán bộ ngân hàng Sacombank Bắc Ninh đến làm việc là tôi tin tưởng và thực hiện theo các thủ tục. Đến khi mọi việc đã thống nhất, tại Văn phòng công chứng số 2 tỉnh Bắc Ninh, tôi mới gặp ông Chu Văn Lương, giám đốc Cty Hương Thịnh để làm thủ tục và giao cuốn sổ đỏ”, anh Luyện tiếp.
Tuy nhiên, sau một tuần rồi nhiều tháng, “sổ đỏ” đã giao, hợp đồng đã ký nhưng anh Luyện vẫn không nhận được đồng nào từ Công ty Hương Thịnh.
Cùng chung “số phận” với anh Luyện còn có 9 gia đình khác đã tin tưởng giao tổng cộng 11 “sổ đỏ” thế chấp tại Sacombank Bắc Ninh.
Sau khi trao đổi với Sacombank Bắc Ninh và được biết không có khoản giải ngân thêm nào từ ngân hàng này cho Công ty Hương Thịnh, anh Luyện cùng các hộ dân liên hệ với ông Miền thì ông Miền nói rằng mình chỉ là người giữ nhiệm vụ môi giới.
Chờ đợi, hỏi han ba tháng ròng rã không thấy kết quả, cả nhóm người tìm đến trụ sở Công ty Hương Thịnh tại Bắc Giang, mới vỡ lẽ khi thấy công ty trong tình trạng “ngắc ngoải”, sản xuất đình đốn và kho thép, máy móc đã bị nhiều ngân hàng niêm phong để xử lý nợ.
Theo các hộ dân, ban đầu, ông Chu Văn Lương - Giám đốc Cty Hương Thịnh còn tiếp chuyện, hứa hẹn tạm ứng trước một phần tiền cho các hộ dân. Nhưng sau đó, vị giám đốc này “mất hút” khi người dân đến gặp.
Quá hoang mang vì không nhận được tiền vay theo hứa hẹn, “sổ đỏ” lại nằm trong tay ngân hàng, ngày 7/12/2012 các hộ dân đã làm đơn gửi đến Công an tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, sau nửa năm, ngày 11/5/2013, người dân nhận được Thông báo trả lời đơn của Phòng CS ĐTTP về Kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Bắc Ninh, với nội dung “có đủ căn cứ xác định không có dấu hiệu của tội phạm hình sự”, và hướng dẫn người dân liên hệ với Tòa án để giải quyết theo hướng dân sự.
Trong số 10 hộ dân đưa “sổ đỏ” vào thế chấp tại Sacombank Bắc Ninh, bi đát nhất phải kể đến trường hợp chị Nguyễn Thị Hương, vợ anh Nguyễn Khắc Tất, người đưa 2 chiếc “sổ đỏ” của gia đình cho ngân hàng.
“Chồng tôi là người đứng tên giao sổ đỏ. Khi biết bị lừa, anh ấy lại đổ bệnh qua đời để lại gánh nặng cả tinh thần và kinh tế cho tôi. Vì tin tưởng vay được tiền ngân hàng Sacombank làm ăn, tôi trót đi vay nóng với lãi suất cao trước tính khi nào giải ngân được tiền sẽ trả đập vào. Bây giờ, không những “sổ đỏ” mảnh đất tôi đang sống đang nằm trong ngân hàng Sacombank Bắc Ninh mà gia đình tôi bị lún sâu vào nợ nần lãi mẹ đẻ lãi con”, chị Hương buồn rầu nói.
Ở nhiều gia đình khác, vợ chồng đang hạnh phúc nay vì vướng chuyện này quay ra hục hặc, mâu thuẫn với nhau.
“Nhiều người hỏi chúng tôi ai xui mà ra đứng trước cửa ngân hàng, nhưng tình cảnh của chúng tôi bây giờ thì cần ai xui. Nếu sự việc không được giải quyết, chúng tôi cũng chỉ còn nước ra đường chứ biết làm gì hơn được”, anh Luyện cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, mặc dù các giấy tờ liên quan cho thấy việc bàn giao “sổ đỏ” của người dân cho Sacombank Bắc Ninh có thông qua “Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của người khác” ký ngày 13/8/2012 giữa ba bên (người dân, ngân hàng, công ty Hương Thịnh), nhưng sự việc còn rất nhiều dấu hiệu chưa sáng tỏ, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên.
*Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Theo Hồng Kỹ - Anh Thế
Dân trí