Để dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao được thông thoáng, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tốc độ phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, bền vững... thì cần sự chung tay vào cuộc của nhiều bộ, ngành để cùng tháo gỡ những vướng mắc trong cho vay phát triển nông sản sạch.

Agribank đồng hành cùng nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

 Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp, đến nay nước ta không chỉ bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia mà còn trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về các loại nông sản như: gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su, thủy sản... Có thể khẳng định rằng: ngành nông nghiệp đang thể hiện rõ vai trò là một trong những trụ đỡ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Và trong những thành tựu chung của nền nông nghiệp nước nhà không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của Agribank. Trong nhiều năm qua, Agribank luôn nỗ lực, bền bỉ làm tròn sứ mệnh phụng sự tam nông. Agribank luôn dành trên 70% tổng dư nợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và luôn dẫn đầu ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.

leftcenterrightdel
 Agribank nỗ lực mang phồn thịnh đến cho khách hàng.

Nông nghiệp Việt Nam nằm trong xu thế chung của toàn cầu: tích cực ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại vào canh tác để cho ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao... và để nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh mẽ thì việc được cung ứng vốn kịp thời và đầy đủ cũng là một yếu tố quan trọng. Nhận thấy rõ vai trò lớn của mình đối với phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng, cuối năm 2016, Agribank đã kịp thời tung ra gói tín dụng tối thiểu 50.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng khách hàng trong diện ưu tiên giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với mặt bằng chung. Đây là một quyết định quan trọng, được coi là một cú hích đối với việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao nước nhà, thu hút sự quan tâm của nhiều cấp ngành và toàn xã hội.

 Từ đồng vốn của Agribank, nhiều đơn vị sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động và bước đầu cho những thành quả nhất định. Có thể kể đến những cánh đồng mẫu lớn với diện tích hàng ngàn ha tại Cần Thơ, những vùng đặc sản bưởi Bến Tre; mô hình nuôi tôm giống ở Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận; mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap tại thủ phủ thanh long Bình Thuận; hay hàng ngàn ha trồng tiêu, bơ, cam, rau và các cây nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao ở Gia Lai, Kon Tum; trang trại trồng rau, hoa quả sạch trong nhà kính, nhà lưới ở Lâm Đồng; rồi những mô hình chăn nuôi hiệu quả theo tiêu chuẩn VietGap ở: Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Đồng Nai...

 Điều quan trọng là những mô hình nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao kể trên có thể đem đến doanh thu và lợi nhuận khủng vài tỉ đồng/năm cho một hộ hay một đơn vị sản xuất. Những điển hình thành công trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả nước đã khơi dậy niềm tin và ngọn lửa đam mê phát triển nền nông nghiệp nước nhà theo hướng sạch, bền vững của không ít tổ chức và cá nhân.

 Agribank sẵn sàng đón nhận và hỗ trợ những đơn vị, cá nhân có phương án kinh doanh chắc chắn, minh bạch, hiệu quả. Hiện tại, Agribank đã giải ngân được hơn 5.136 tỷ đồng cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với trên 3000 khách hàng, trong đó cho vay ngắn hạn là hơn 3.373 tỷ đồng, trung và dài hạn là hơn 1.762 tỷ đồng. Trên khắp cả nước, Lâm Đồng và Bạc Liêu là hai trong số rất nhiều tỉnh, thành đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (và dư nợ tại Agribank về riêng lĩnh vực này tương đối lớn, trên dưới 1.200 tỷ đồng). Bên cạnh việc được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi, khách hàng vay vốn chương trình này được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank và giảm 50% mức phí chuyển tiền ngoài hệ thống.

 Và những vướng mắc trong cho vay sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

 Nền nông nghiệp Việt Nam đã phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Nhưng vẫn còn đó nhiều trăn trở. Những sản phẩm nông nghiệp không sạch vẫn hàng ngày trôi nổi trên thị trường, chưa bao giờ người ta thấy lo ngại về vấn nạn thực phẩm bẩn như bây giờ. Việc xây dựng một nền nông nghiệp sạch đang là nhu cầu bức thiết hơn bao giờ hết. Nhưng hành trình để phát triển sâu rộng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn nhiều gian nan, thách thức, kèm theo đó là dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực này vẫn còn những vướng mắc nhất định.

leftcenterrightdel
Cây hồ tiêu trụ sống được trồng theo phương pháp hữu cơ. 

Gói tín dụng dành cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao đã được Agribank chuẩn bị sẵn sàng, Agribank khẳng định hoàn toàn không thiếu vốn cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, để nguồn vốn trên đến được với doanh nghiệp và cá nhân một cách nhanh chóng và rộng rãi thì không phải là điều đơn giản. Những doanh nghiệp/cá nhân thực hiện dự án sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng những tiêu chí cơ bản: Dự án đầu tư thực hiện trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu; Dự án trong Vùng nông nghiệp ứng dụng nghệ cao đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định công nhận Vùng hoặc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Bên cạnh đó, những tài sản hình thành trên đất trong quá trình đầu tư như: nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt... vừa “ngốn” nhiều chi phí lại không được coi là tài sản đảm bảo trong quá trình vay vốn. Từ đó dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Cùng với yêu cầu cần phải có nguồn vốn lớn, doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn phải đối mặt với những thách thức khác: từ thị trường tiêu thụ, quy trình sản xuất khắt khe, chi phí chứng nhận cao và thủ tục phức tạp… Để có trong tay chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng VietGap, GlobalGap hay tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế uy tín trên thế giới như: Tiêu chuẩn AB (Châu Âu); Tiêu chuẩn JAS (Nhật Bản); Tiêu chuẩn USDA (Mỹ)... thì quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm phải trải đạt được rất nhiều tiêu chí khắt khe. Thêm nữa, việc sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ còn cần rất nhiều thời gian để cải tạo đất, tạo dựng hệ sinh thái sạch, chọn giống cây trồng... để đảm bảo cây trồng phát triển tốt, có sức đề kháng cao với bệnh tật, đáp ứng các tiêu chuẩn của một sản phẩm sạch.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp nói chung là một lĩnh vực chịu nhiều rủi ro bởi thiên tai, hạn hán, sâu bệnh và cả vòng xoáy nghiệt ngã được mùa rớt giá. Bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, chưa nhiều doanh nghiệp tham gia. Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lại là một lĩnh vực mới ở Việt Nam và cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Thêm nữa, những sản phẩm sạch so với sản phẩm thông thường có sự chênh lệch khá cao về giá nên chưa đến được đa số người tiêu dùng...

 Những khó khăn, gian nan trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... đã làm nhiều đơn vị/ cá nhân không khỏi băn khoăn khi có ý định đầu tư vào lĩnh vực này. Việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam vẫn cần nhiều thời gian và cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành... Khi những vướng mắc trong cho vay phát triển sản xuất lĩnh vực khá mới mẻ: nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được giải quyết về cơ bản, thì dòng vốn chảy vào lĩnh vực này sẽ nhiều hơn, doanh nghiệp có thêm động lực sản xuất, từ đó nền nông nghiệp Việt Nam sẽ có đà phát triển mới.

 PV