(BVPL) - Thạc sỹ Nguyễn Bích Ngọc - Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho hay: Hiện mới có khoảng 70% số lao động diện bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), tình trạng nợ BHXH còn lớn, nhất là khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước (nợ 48,2% doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hơn 32% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trên 19% doanh nghiệp Nhà nước). Tính đến nay, nợ BHXH lên đến 6.700 tỷ đồng.
Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH gây nhiều thiệt hại cho người lao động, đặc biệt khiến nhiều lao động nữ mặc dù hàng tháng đều trích tiền lương đóng BHXH nhưng không được hưởng chế độ. Cùng với đó, thủ tục hưởng chế độ đôi khi chưa thuận lợi cho người lao động, dịch vụ BHXH chưa tương xứng với chi phí quản lý Quỹ ngày càng tăng…
Hướng tới tăng quyền lợi cho người lao động
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (BHXH), Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội cho hay, trước những bất cập trên, dự thảo Luật BHXH sửa đổi có nhiều điểm mới, đặc biệt là những chế độ liên quan đến lao động nữ.
Theo đó, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến người lao động có hợp đồng lao động đủ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng bởi theo quy định như hiện nay, các doanh nghiệp thường ký HĐLĐ từ 3 tháng trở xuống nhằm trốn đóng BHXH cho người lao động. Thêm đối tượng là chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương.
Đối với mức trợ cấp ốm đau, trong trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, sau 180 ngày hưởng mức thấp hơn (bỏ quy định mức trợ cấp thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung). Mức trợ cấp ốm đau 1 ngày được tính bằng trợ cấp ốm đau theo tháng chi cho 24 ngày.
Về chế độ thai sản, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi cũng được hưởng chế độ thai sản, đồng thời bổ sung thêm đối tượng lao động nam có vợ sinh con và trường hợp lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai cơ sở y tế yêu cầu phải nghỉ việc thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Ngoài ra, bổ sung thêm quy định đối với lao động nam khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc trong vòng 30 ngày đầu vợ sinh con hoặc 7 ngày làm việc đối với trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật; Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng.
Còn bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị nên bổ sung thêm quy định trong thời gian mang thai, nữ lao động được nghỉ để đi khám thai mỗi tháng 1 ngày bởi thực tế hiện nay có tới 67% lao động nữ không được bảo hiểm thai sản. Đối với điều kiện hưởng lương hưu, nên giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm với mức hưởng tối thiểu có thể giảm xuống còn 40% mức lương bình quân đóng BHXH.
Nâng cao hiệu quả của Quỹ BHXH
Bà Nga đưa ra con số hoạt động đầu tư tăng trưởng của Quỹ BHXH chưa cao, lãi không đáng kể, lãi thu từ hoạt động đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH chưa bảo tồn được giá trị của Quỹ, luôn thấp hơn chỉ số tăng giá tiêu dùng (lãi suất đầu tư bình quân giai đoạn 2007-2012 chỉ khoảng 10%/năm, trong khi CPI bình quân là 13,4%/năm, đến 2021 số thu trong năm sẽ bằng số chi trong năm, đến năm 2022, số thu trong năm nhỏ hơn số chi trong năm và đến 2034 Quỹ hưu trí mất khả năng chi trả do số thu nhỏ hơn số chi. Vì vậy, cần những giải pháp tích cực, thực hiện nguyên tắc chia sẻ giữa những người tham gia BHXH, mở rộng đối tượng. Đặc biệt, Quỹ phải được quản lý thống nhất, minh bạch, công khai và được Nhà nước bảo hộ. Phấn đấu đến năm 2020, số đối tượng tham gia BHXH đạt 50% lực lượng lao động.
Bà Nga cho biết, với áp lực già hóa dân số, kỳ vọng sống của người Việt sau 55-60 tuổi tăng lên rất nhiều do đó, tăng tuổi nghỉ hưu là tất yếu. Cụ thể, từ 2016, tuổi hưởng lương hưu của cán bộ công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ 2020, tuổi hưởng lương hưu của những người lao động còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đủ 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Về mức lương hưu hàng tháng, từ 2016 trở đi, số năm đóng tương ứng với mức lương hưu hàng tháng 45% sẽ tăng thêm 1% năm cho đến khi đạt 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Nếu trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm giảm 2% (hiện hành là 1%).
Hưởng chế độ BHXH 1 lần được sửa theo hướng tăng thêm, cứ mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Phó trưởng Ban Nữ công, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay tình trạng cơ quan BHXH từ chối chi trả BHXH trong trường hợp người lao động đã đóng BHXH cho người sử dụng lao động nhưng doanh nghiệp lại nợ, chậm, trốn đóng BHXH là vi phạm nguyên tắc có đóng, có hưởng BHXH. Bà Hồng cho rằng, cần bỏ quy định tại khoản 2 Điều 21 và bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của tổ chức BHXH: “Chi trả các chế độ BHXH cho người lao động đủ điều kiện hưởng và đã trích nộp tiền đóng BHXH hàng tháng cho người sử dụng lao động theo quy định của Luật”.
Để Quỹ BHXH hoạt động có hiệu quả, bà Hồng đề xuất chi phí quản lý Quỹ được tính theo % trên tổng số thực thu BHXH hàng năm do người lao động và người sử dụng lao động đóng nhưng mức cụ thể do Chính phủ quy định, tối đa không quá 2%. Đồng thời, nên quy định cụ thể tỷ lệ, cơ cấu đầu tư cho từng loại hình đầu tư để có thể nâng cao hiệu quả đầu tư và đánh giá được hiệu quả hoạt động đầu tư đối với từng loại hình để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm vai trò của Công đoàn tham gia giám sát thực thi chính sách BHXH.
Hoàng Trâm