Ý tưởng “Công viên dược phẩm” 500 triệu USD tại Việt Nam
Trong các buổi xúc tiến thương mại do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức, nhiều “đại gia” dược phẩm Ấn Độ bày tỏ sự quan tâm với ý tưởng hình thành “Công viên dược phẩm” tại Việt Nam. Khu công nghiệp chuyên biệt trong lĩnh vực dược phẩm này có khả năng thu hút 500 triệu USD vốn đầu tư ban đầu từ các “ông lớn” trong ngành dược của Ấn Độ.
Ông Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm SMS, đơn vị thiện chí muốn hợp tác phát triển dự án này cho biết, “Công viên dược phẩm” nếu thành công sẽ trở thành ‘đòn bẩy chiến lược’ đưa Việt Nam thành cứ điểm nghiên cứu, phát triển, sản xuất dược phẩm hàng đầu khu vực Đông Nam Á và thế giới. Tổng quy mô ngành dược phẩm Ấn Độ ước tính vào khoảng 43 tỉ USD (năm 2019) và có khả năng đạt 55 tỉ USD năm 2022. Hiện Ấn Độ sở hữu 3.000 công ty dược phẩm và 10.500 đơn vị sản xuất với số lượng lớn các nhà máy đạt tiêu chuẩn US-FDA nằm ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
|
|
Khu công nghiệp Bỉm Sơn - Thanh Hóa với lợi thế khu công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào lĩnh vực dược phẩm, hóa chất vùng nguyên liệu dược phẩm và nông nghiệp công nghệ cao. |
Bỉm Sơn với định hướng thu hút “Công viên dược phẩm” công nghệ cao.
Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với đại sứ Phạm Sanh Châu, các tham tán và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhận định việc kêu gọi, vận động dự án “Công viên dược phẩm” hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Quyết định số 3390/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021, thị xã Bỉm Sơn hiện có tổng diện tích quy hoạch 6.386,17 ha, trong đó, nhóm đất nông nghiệp 1.835,56 ha; nhóm đất phi nông nghiệp 4.000,37 ha, nhóm đất chưa sử dụng 550,24 ha. Với quỹ đất sử dụng cho nông nghiệp lên đến 2.000ha, đây sẽ là tiềm năng để Bỉm Sơn phát triển vùng nguyên liệu đặc thù cho ngành “dược phẩm”, đi kèm với việc phát triển các nông trường diện tích lớn phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, ưu tiên khai thác phát triển các loại cây ba kích, diệp hạ châu đắng, đinh lăng, củ mài, hòe, hương nhu trắng, ích mẫu, nghệ vàng, quế và sả (theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030).
|
|
Khu trang trại trồng cây dược liệu và rau sạch tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn góp phần thúc đẩy phát triển khu công viên dược phẩm của Việt Nam. |
Bỉm Sơn - Lợi thế thu hút đầu tư
Bỉm Sơn là địa phương đầu tiên tại khu vực Bắc Trung Bộ được hưởng lợi từ hai dự án cao tốc trọng điểm quốc gia, trong đó, cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 với nút giao cách Bỉm Sơn chưa đầy 3km có tổng mức đầu tư 12.343 tỷ đồng dự kiến hoàn thành nút giao Bỉm Sơn đầu năm 2023; tuyến cao tốc ven biển trọng điểm quốc gia kết nối Quảng Ninh - Nga Sơn - Bỉm Sơn - Nghi Sơn đến mũi Cà Mau cũng được Chính phủ phê duyệt. Hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển sẽ là đòn bẩy thu hút vốn đầu tư FDI & DDI không chỉ cho Bỉm Sơn mà còn là lá cờ đầu thu hút đầu tư cho cả khu vực Bắc Trung Bộ.
|
|
Tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 ráo riết thi công đoạn thành phần kết nối với khu công nghiệp Bỉm Sơn và khu công nghiệp Hà Long. |
|
|
Bỉm Sơn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng nhằm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông, kết nối trực tiếp với hai tuyến cao tốc Mai Sơn - QL 45 và tuyến cao tốc ven biển. |
Với vị trí đặc biệt chiến lược cùng sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Đảng bộ UBND tỉnh Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn sẽ là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư mới của Việt Nam không chỉ về hạ tầng giao thông, kinh tế mà còn thu hút dòng vốn FDI trên toàn cầu, đồng thời khai phá tiềm năng phát triển công viên dược phẩm mới của thế giới, khẳng định vai trò thành phố công nghiệp công nghệ cao của khu vực Bắc Trung Bộ.