(BVPL) Vừa qua, khi Dự án Khu Đô thị quốc tế Đa Phước đẩy mạnh thi công thì ngay lập tức xuất hiện một số thông tin cho rằng chủ đầu tư đang “ăn cắp tài nguyên trắn trợn”, “cố tình thi công chui khi chưa có giấy phép”, có sự “bao che, dung túng của cơ quan chức năng”… Vậy thực hư ra sao?
Triển khai tiếp công việc đã được phê duyệt
Ngày 16/11/2006, UBND TP. Đà Nẵng và Công ty TNHH Daewon Cantivail ký bản “Thỏa thuận nguyên tắc” để phía Daewon triển khai đầu tư dự án Khu phức hợp đô thị- sân Golf. Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng đồng ý cho phía Deawoo triển khai dự án Khu phức hợp đô thị - sân golf với tổng diện tích 240ha. Ngày 16/11/2007, UBNDTP. Đà Nẵng ban hành Quyết định số 9125/QĐ - UBND về viêc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Mục tiêu của dự án là xây dựng thành phố vườn ươm công nghệ thông tin quốc tế; phát triển khu trung tâm thương mại – khách sạn – căn hộ cao cấp (tầng cao khoảng 33 tầng), khu biệt thư, trường quốc tế, trung tâm thể thao, các dịch vụ vui chơi, giải tri phục vụ du khách trong và ngoài nước; xây dựng sân Golf 27 lỗ. Tổng vốn đầu tư cho dự án ước tính là 300 triệu USD.
Từ năm 2007 – 2016, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành một loạt văn bản pháp lý: Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; quyết định thu hồi đất, cho Công ty TNHH Daewon Cantavil thuê; Giấy phép số 7045/GP-UBND “ khai thác cát làm vật liệu san nền” phục vụ thi công dự án; Giấy phép xây dựng số 810/GPXD về việc thi công đê biển và san lấp... Ngày 29/04/2011, Sở Xây dựng Đà Nẵng ban hành Văn bản số 1299/SXD-QLXD ngày về việc công nhận hoàn thành đê chắn sóng, san lấp (giai đoạn 1) Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước. Ngày 30/11/2016, Sở Xây dựng Đà Nẵng tiếp tục có Văn bản 11826/SXD-QLKT về việc tiếp tục thi công đập chắn sóng và san lấp dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước.
Trong 10 năm, chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 40 triệu USD để san lấp vùng biển sâu biển, san nền, thi công đê chắn sóng, hình thành hạ tầng ban đầu cho dự án.
|
Khu đô thị quốc tế Đa Phước được ví như ‘vầng trăng khuyết” ven biển |
Từ năm 2007 đến 2011, Daewon Cantavil đã san lấp được 112 ha trong đó Daewon đã giao cho Đà Nẵng 29 ha và sau đó lại giao tiếp (miễn phí) 25 ha theo yêu cầu của thành phố làm Trung tâm văn hóa thể thao. Theo qui hoạch được phê duyệt, Daewon còn phải lấn biển tiếp 123 ha cho Giai đoạn 2. Giai đoạn 1 lấn biển đã hoàn thành, Daewon chuẩn bị kế hoạch để xây dựng các công trình.
Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan không thể tiếp tục xây dựng công trình đô thị lẫn san lấp biển giai đoạn 2 nên năm 2016, Daewon quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn đã góp vào dự án này cho Công ty CP Nova –Bắc Nam 79 của Việt Nam. Do đó, về bản chất, Công ty CP Nova –Bắc Nam 79 là doanh nghiệp tiếp nhận 100% vốn góp, các phần việc mà Daewon Cantail đã triển khai cũng như hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh dự án trước đó.
Thực hư thông tin thi công “chui”, “ăn cắp tài nguyên”, “vi phạm pháp luật”?
Tháng 1/2017, Nova-Bắc Nam 79 đổi tên Công ty TNHH Daewon Cantavil thành Công ty TNHH Sunrise Bay. Công ty này đã chấp hành nghiêm túc bản “Thỏa thuận nguyên tắc” ký kết năm 2006 giữa phía Daewon và TP. Đà Nẵng khi thanh toán nghĩa vụ tài chính và phần lãi phạt chậm nộp với số tiền gần 17 triệu USD mà Daewon để lại.
Để triển khai dự án, Nova –Bắc Nam 79 phải tiến hành điều chỉnh lại Tổng mặt bằng, triển khai một số tiện ích hạ tầng và ký Hợp đồng với nhà thầu xây dựng lấn biển tiếp cho Giai đoạn 2 theo quy hoạch đã được duyệt (123 ha còn lại). Tại thực địa, không có việc chủ đầu tư điều chỉnh diện tích lấn biển.
Tìm hiểu được biết, ngày
27/3/2017, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định số 1443/QĐ-UBND chấp thuận Chủ trương đầu tư giai đoạn 1 (60ha) cho Sunrise Bay. Ngày 3/4/2017, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định số 1792/UBND về phê duyệt điều chỉnh Tổng mặt bằng 1/500 của dự án. Ngày 4/4/2017, Sở Xây dựng Đà Nẵng có văn bản số 2722/SXD-TTS cho phép chủ đầu tư tiếp tục thi công phần kè và san lấp mặt bằng. Ngày 7/3/2017, chủ đầu tư đã nộp Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lên Bộ Tài nguyên và Môi trường; thời hạn trả kết quả là
19/5/2017. Như vậy, hoàn toàn không có việc “thi công chui” tại Sunrise Bay.
|
Chủ đầu tư đang nỗ lực lấn biển theo quy hoạch đã được phê duyệt |
Trước thông tin chủ đầu tư đang “ăn cướp tài nguyên” khi tiến hành hút “cát lậu” tại biển Cửa Đại (Quảng Nam), một chuyên gia từng làm việc tại UBND TP. Đà Nẵng (người trực tiếp theo dõi dự án từ giai đoạn đầu) phân tích: Nói Sunrise Bay chưa có Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà vẫn “thản nhiên thi công trong nhiều năm qua” là không chính xác. Việc lấn biển 112 ha cho Giai đoạn 1 đã có ĐTM được phê duyệt và việc triển khai lấn biển trong 10 năm qua hoàn toàn hợp pháp. Nhà thầu xây dựng cho giai đoạn này là DINCO, không có chuyện “ăn cướp tài nguyên” của ai để triển khai san lấp và họ đã hoàn thành san lấp giai đoạn 1 này từ năm 2011. Việc ai đó ăn cắp cát ở Hội An chỉ diễn ra cách đây mấy tháng và giai đoạn 1 san lấp lấn biển của dự án thuộc trách nhiệm của Daewon Cantavil, không liên quan tới Sunrise Bay.
Theo ý kiến phân tích của nhiều luật sư thì: Cần hiểu rõ về câu chuyện cát ở đây để tránh cái nhìn quy chụp cho chủ đầu tư. Giả sử có hợp đồng mua cát giữa các bên, nếu dự án mua cát khai thác “lậu” thì trách nhiệm trước hết thuộc về công ty khai thác và nhà thầu thi công lấn biển, không phải trách nhiệm của chủ đầu tư. Bởi, lấy cát lấp biển cũng chỉ là một trong hàng ngàn khối lượng công việc do phía nhà thầu triển khai thi công. Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có cơ sở nào chứng minh Sunrise Bay sử dụng “cát lậu” để lấn biển.
Chủ đầu tư khẳng định, đang tiến hành các công việc đã được sự chấp thuận của cơ quan chức năng, hoàn toàn không có chuyện chủ đầu tư “ tự ý” thi công khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan chức năng, chưa có đánh giá tác động môi trường.
Đừng làm nản lòng nhà đầu tư
Khu đô thị quốc tế Đa Phước là dự án lấn biến lớn ở Đà Nẵng, với vốn đầu tư ban đầu là 300 triệu USD và hiện tại là gần 5000 tỷ đồng. Khát vọng của các nhà đầu tư là biến một vùng biển sâu ở Đà Nẵng vốn ngủ yên hàng nghìn năm nay thành một khu đô thi mang vóc dáng “Hồng Kong giữa lòng Đà Nẵng”, khi hoàn thành sẽ như một vầng trăng khuyết lung linh ven biển.Hướng tới khát vọng này, các nhà đầu tư đã đổ vào đây hàng nghìn tỷ đồng để san lấp, kè đê, hình thành hạ tầng ban đầu cho dự án. Suốt 10 năm qua, bao nhiêu tâm huyết, công sức, nhân lực đã tập trung vào đây. Bên cạnh đó là hàng loạt khó khăn cản trở nhiều lúc tưởng như nhà đầu tư phải lùi bước.
Vậy mà, khi doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn bỏ tiền, bỏ của tiếp nhận dự án từ phía Hàn Quốc với quyết tâm thực hiện cho bằng được khô đô thị này lại phải đối diện với những “điều tiếng”, thông tin quy chụp đầy ác ý. Việc lấn biển được tiến hành từ năm 2007, được các Bộ, ngành, UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt nhưng thật khó hiểu hiện vẫn còn những ý kiến cho rằng dự án đang “hủy hoại môi trường biển”, làm mất cảnh quan của thành phố? Phải chăng, họ muốn nơi đây mãi là vũng biển hoang sơ không cần đầu tư để tạo ra cảnh quan hiện đại cùng nguồn bất động sản hàng ngàn tỷ đồng trong khi suốt từ năm 2006 đến nay chưa hề thấy chuyên gia nào lên tiếng dự án sẽ hủy hoại cảnh quan tự nhiên?
Từ những cơ sở pháp lý đã nêu ở trên, có thể thấy chủ đầu tư Khu đô thị quốc tế Đa Phước đang làm đúng các quy định pháp luật, không có những sai phạm “động trời” như một số thông tin phản án vừa qua.
Nga Dương