Do doanh nghiệp đã trả cao hơn so với mức lương tối thiểu nên khi quy định tăng lương, cả doanh nghiệp và người lao động đều phải đóng thêm các khoản phí, trong khi tổng thu nhập không tăng.
 


Về vấn đề này, ông Trường cũng đưa ra cảnh báo, thực tế mức lương tối thiểu chỉ là sàn thấp nhất để DN áp dụng. Trên thực tế, hiện nhiều DN đã trả người lao động mức cao hơn lương tối thiểu. Vì thế khi quy định tăng lương này được áp dụng, họ hầu như không điều chỉnh nữa. Như vậy, có khi tổng thu nhập cho người lao động ở những doanh nghiệp này không tăng, thậm chí còn giảm, nhưng cả DN và  người lao động phải đóng thêm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân… Để giải quyết vấn đề này, DN thường dựa giá bán sản phẩm và năng suất lao động để có thể dần điều chỉnh…

“Tăng lương tối thiểu vẫn phải duy trì được lợi thế cạnh tranh chung trên phương diện phát triển kinh tế. Do đó, cần đảm bảo nguyên tắc tăng lương có lộ trình” - ông Trường nhấn mạnh.

Trước đó ít ngày, Hội đồng tiền lương quốc gia đã có những cuộc họp khá căng thẳng và có phiên bỏ phiếu đề xuất phương án tăng lương tối thiểu 2014. Phương án được đưa ra là mức tăng cao nhất đạt 15- 17%. Cụ thể, với phương án này mức lương tối tối thiểu dành cho lao động vùng 1 là 2,75 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 2,45 triệu đồng, vùng 3 là 2,1 triệu đồng và vùng 4 là 1,9 triệu đồng, trong đó lương vùng 1-3 tăng 17%, riêng vùng 4 tăng 15% so với năm 2013. Như vậy, so với đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (tăng cao nhất 36%) thì mức đề xuất này chỉ đáp ứng khoảng 50%. Theo khảo sát của Tổng liên đoàn, hiện mức lương tối thiểu chỉ đảm bảo 62 - 68%  đời sống của người lao động (tùy theo vùng), cuộc sống của người lao động còn gặp quá nhiều khó khăn.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, muộn nhất đến ngày 20/9, Hội đồng sẽ trình Chính phủ phương án cuối cùng, sau khi đã cân đối quyền lợi của người lao động cũng như phía DN.
 

Theo Dân trí