Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam phá sản hoặc ngừng hoạt động tăng lên rất nhanh. Nếu năm 2010 chỉ có 47.000 DN phá sản thì riêng trong 6 tháng đầu năm 2016 con số này đã là 36.000 DN. Điều này cho thấy phần nào về sức cạnh tranh khốc liệt trong xu hướng hội nhập đòi hỏi DN phải đủ sức bám trụ thị trường.

 


Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù GDP 6 tháng đầu năm 2016 cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012 - 2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, các khu vực nông - lâm - thủy sản giảm điểm, ngành công nghiệp tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.

Khu vực nông – lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ chủ yếu do sự giảm mạnh về cơ cấu của ngành Nông nghiệp, nguyên nhân là do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành Công nghiệp tăng trưởng 6,82% thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,20%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%... Ngành sản xuất, phân phối điện, cấp thoát nước, và xử lý nước, rác thải tăng trưởng khá tốt. Kinh doanh bất động sản 6 tháng đầu năm tăng 3,77%, mức cao nhất kể từ năm 2011.

GDP 6 tháng đầu năm 2016, đặc biệt, khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh nhất từ năm 2012 đến nay, trong đó đáng chú ý là ngành bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%, tài chính, ngân hàng 6,1%, thông tin truyền thông tăng 8,76%...

36.000 DN phá sản, ngừng hoạt động chỉ trong 6 tháng đầu năm cho thấy quy luật đào thải của thị trường hết sức khắt khe. Trong khi đó, đối với nước ta cần có một môi trường kinh doanh ổn định nhằm thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư từ nước ngoài thì việc có tới hàng nghìn DN bị phá sản trong 1 năm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của các DN và các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác những hệ lụy về mặt xã hội như công ăn việc làm cho người lao động, môi trường sinh thái cũng đặt ra nhiều thách thức.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu thì chúng ta cần tạo ra môi trường kinh doanh công bằng với những cơ chế giúp cho DN phát triển ổn định. “Vấn đề hiện nay là pháp luật của chúng ta về môi trường kinh doanh còn thiếu sự ổn định; thứ hai là vai trò của các DN có vốn nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, vì thế họ có những ưu đãi mà những DN tư nhân không được hưởng. Do vậy, nó tạo ra môi trường kinh doanh không có sự bình đẳng. Vì vậy, cần phải thay đổi tư duy để giúp các DN” – ông Hiếu cho hay.

Cũng có ý kiến cho rằng, ở góc độ nào đó việc giải thể hay phá sản của DN cũng giúp cho nền kinh tế tái cấu trúc liên tục, làm môi trường kinh doanh sôi động hơn và là cơ sở cho sự phát triển bền vững. Những DN thực sự có chất lượng được sàng lọc lại không chỉ linh hoạt để tồn tại mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh để mở rộng quy mô hoạt động. Vì vậy, bên cạnh con số 36.000 DN phá sản thì ở chiều ngược lại 6 tháng đầu năm có đến 54.000 DN thành lập mới. Điều này cho thấy những chính sách trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư đã có những tác động tích cực.

Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho DN từ đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát giảm chi phí cho đến tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, trước hàng loạt khó khăn thách thức của nền kinh tế thị trường, muốn đứng vững DN cần phải biến những chủ trương thành hành động cụ thể.
 

PV

.