"Trong 6 tháng đầu năm 2013, Petrolimex phải nhập 4,11 triệu tấn. Và nếu tính theo Nghị định 84, các đơn vị kinh doanh xăng dầu lãi tối thiểu 300 đông/lít thì cũng chỉ rơi vào 1.200 tỷ. Lẽ ra Petrolimex phải lãi 1.200 tỷ, nhưng thực tế lại chỉ lãi 388 tỷ đồng, tức là hiệu suất 2,82. Nhiều người nói nói rằng, với hơn 14.000 tỷ đồng tiền vốn thì mang đi gửi tiết kiệm 7% sẽ thu về được khoản lãi nhiều hơn" - Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết.


* Trong việc điều hành giá xăng dầu nhiều năm trở lại đây, dư luận và các chuyên gia kinh tế dường như đã mệt mỏi với điệp khúc than lỗ của Petrolimex. Tuy nhiên, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013, Tập đoàn này vẫn đạt lợi nhuận trước thuế 898 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ mặt hàng xăng dầu chiếm 43%. Là đơn vị quản lý, giám sát, điều hành thị trường xăng dầu trong nước, ông có nhận xét gì về trường hợp của Petrolimex?


-  Cũng đã có một nhà khoa học đặt câu hỏi với tôi: tại sao lúc thì bảo là lỗ, khi thì lại nói là lãi, vậy rút cuộc là sao?
 
Xin thưa rằng Petrolimex là công ty cổ phần, phải báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng hàng năm, đó là theo quy định của kiểm toán. Và báo cáo này là của chính đơn vị kiểm toán, để đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch.
 
Với con số lãi hơn 800 tỷ và lãi từ xăng dầu khoảng 388 tỷ thì cũng cần phải biết rằng, trong 6 tháng, Petrolimex phải nhập 4,11 triệu tấn. Và nếu tính theo Nghị định 84, các đơn vị kinh doanh xăng dầu lãi tối thiểu 300 đồng/lít thì cũng chỉ rơi vào 1.200 tỷ. Lẽ ra Petrolimex phải lãi 1.200 tỷ, nhưng thực tế lại chỉ lãi 388 tỷ đồng, tức là hiệu suất 2,821
 
Và nhiều người nói nói rằng, với hơn 14.000 tỷ đồng tiền vốn thì mang đi gửi tiết kiệm 7% sẽ thu về được khoản lãi nhiều hơn. Đấy là sự so sánh về mặt tài chính.
 
Còn về mặt xã hội, chính sách thì vẫn cần phải có những Tập đoàn, doanh nghiệp vừa phải kinh doanh theo cơ chế thị trường, vừa phải tuân theo các quy định của pháp luật, của Nhà nước, nhưng phải có sự chia sẻ.
 
Sự chia sẻ ở đây là lẽ ra Petrolimex phải lãi 1.200 tỷ nhưng chỉ lãi 388 tỷ đồng. Còn nếu so sánh tỷ suất lợi nhuận với các mặt hàng khác ví dụ như sữa thì chắc chắn sẽ khách quan hơn với Petrolimex.
 
- Vào tháng 6 và tháng 7/2013, giá xăng đã tăng 3 lần. Theo Tổ điều hành thị trường trong nước thì mức tăng này không ảnh hưởng đến giá cả thị trường. Tiếp đó, trong cuộc họp báo vào đầu tháng 7/2013, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng, việc tăng giá xăng dầu không ảnh hưởng lớn đến CPI. Tuy nhiên, CPI của tháng 8/2013 vẫn tăng 0,83% so với tháng trước. Còn theo dự báo của Tổng cục Thống kê thì CPI tháng 9/2013 vẫn sẽ tiếp tuc tăng khoảng 1%.
 
* Tăng giá xăng dầu không ảnh hưởng đến CPI, nhưng CPI vẫn ngày càng tăng mạnh. Xin Bộ Công thương  lý giải vấn đề này?
 
- Tôi xin nói rằng việc tăng giá xăng dầu không phải không ảnh hưởng đến CPI mà là ảnh hưởng không nhiều đến CPI. Chứ còn bất cứ loại hàng hóa nào tăng dù ít hay nhiều thì đều có mức độ ảnh hưởng CPI, chỉ có điều là lớn hay không lớn.
 
Theo Tổng cục Thống kê, trong 0,83% (mức tăng của CPI tháng 8/2013) thì giá của nhóm hàng giao thông đã chiếm đến 0,1% và việc tăng giá giao thông cũng đạt 1,11%.
 
Mặt khác, tác động làm cho CPI tháng 8/2013 tăng 0,83% so với tháng 7/2013 còn do dịch vụ y tế. Dịch vụ y tế của Hà Nội đã làm cho nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,1%, đóng góp 0,23% vào CPI tháng 8/2013.
 
Ngoài ra, giáo dục sắp vào mùa khai trường và các hoạt động khác cũng có đóng góp nhiều vào CPI.
 
Chỉ tính riêng 4 nhóm này đã đóng góp vào CPI 0,47%, các nhóm còn lại vào khoảng 0,36%. Tức là các mặt hàng lương thực thực phẩm khác vẫn đang ở mức bình thường, còn điều chỉnh ở đây là điều chỉnh do cơ chế, do giá dịch vụ giao thông, y tế tăng nên kéo CPI tăng.
 
* Thực tế, Việt Nam ở nhóm nước nghèo trên thế giới, song vẫn luôn phải chịu mức giá xăng, điện thuộc loại đắt nhất thế giới. Trong khi đó, những nghịch lý lãi, lỗ của các Tập đoàn lớn, việc tăng giá thì nhanh mà giảm giá thì chậm... luôn khiến người dân cảm thấy bất an. Đứng dưới góc độ quản lý Nhà nước, Bộ Công thương dự định xem xét, quản lý thị trường xăng dầu như thế nào?
 
- Trong cuối tháng 6, đầu tháng 7, giá xăng dầu có 3 lần tăng và tháng 8 có giảm 1 lần thì Bộ Công thương vẫn phối hợp với Bộ Tài chính để quản lý, điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84. Và việc quản lý, điều hành này theo cơ chế thị trường.
 
Giá thế giới tăng thì trong nước tăng, giá thế giới giảm thì giá trong nước giảm. Tuy nhiên việc tăng, giảm không tức thì, hoặc việc tăng, giảm còn phụ thuộc vào thuế, phí... để ngoài việc điều hành giá xăng dầu còn đánh giá tác động của giá xăng dầu đến kinh tế xã hội, đến kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
 
Tôi lấy ví dụ như thời gian gần đây, đã có rất nhiều báo đề cập trong 1 tuần nay, do những bất ổn giữa Mỹ và Syria khiến giá xăng dầu tăng lên 112 - 113 USD/thùng, thậm chí có những lúc lên 119 USD hay tại thời điểm này đang là 117 USD/thùng đối với RON 92.
 
Rõ ràng, nếu tính vào thời điểm hiện nay thì giá xăng đang bị lỗ, và tính từ ngày 22/8 đến nay đã qua 10 ngày, nhưng không vì thế mà chúng ta tăng đột biến, mà cần phải theo dõi thị trường, bởi vì sự bất ổn này liên quan đến đầu cơ, liên quan đến chính sách nguồn cung từ Mỹ.
 
Vậy, câu chuyện 30 ngày điều chỉnh giá chính là bước đệm cho giá xăng dầu, phản ánh giá xăng dầu theo giá thế giới, chứ không phải là giá thế giới giảm là chúng ta lập tức giảm ngay, hay không có chuyện giảm thì phải đợi 30 ngày, còn tăng thì chỉ 10 - 15 ngày. Không có chuyện như vậy.
 
Bao giờ Bộ cũng tính lùi trở lại 30 ngày theo đúng quy định là dự trữ 30 ngày và tiếp tục giữ tần suất giữa các lần điều chỉnh là 10 ngày. Nhưng việc điều chỉnh đó được linh hoạt, tối thiểu 10 ngày chứ không phải là tối đa.
 
Và chúng ta thấy, từ ngày 22/8 đến nay đã qua 10 ngày nhưng chúng ta vẫn giữ giá, mặc dù giá xăng dầu thế giới tăng.
 
Như vậy, việc điều hành giá xăng dầu của Bộ là theo đúng Nghị định. Giá xăng dầu trong nước bám đuổi theo giá thế giới, nhưng không có nghĩa là giá thế giới tăng là tăng ngay, giá thế giới giảm là giảm ngay. Nếu như vậy thì trong tuần vừa rồi chúng ta tăng giảm rất nhiều, và như thế là không đúng.
 
Nếu cứ muốn giảm ngay thì sẽ rất dễ, nhưng nên nhớ rằng năm 2002, giá xăng RON 92 có 20 USD/thùng, nhưng đến nay đã là trên 100 USD/thùng, và xu hướng tăng là chủ yếu, vì đây là nguồn nguyên liệu tái tạo.
 
* Xin chân thành cảm ơn ông!
 

Theo Duyên Duyên
Đất Việt

.