(BVPL) - Theo ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, những diễn biến về thiên tai trong thời gian qua, cũng như được dự báo sẽ xảy ra ngày càng nhiều có ảnh hưởng rất lớn đến nền nông nghiệp và người nông dân. Vì vậy, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là giải pháp rất quan trọng, là công cụ giúp người sản xuất nông nghiệp giảm thiểu rủi ro, bù đắp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Tại Quyết định số 315/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011 – 2013 quy định, nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo; 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo; 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo và 20% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN. Các đối tượng được BHNN bao gồm: cây lúa, trâu, bò, lợn, gia cầm; nuôi trồng thuỷ sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng. Hiện có 3 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia BHNN đó là: Bảo Việt, Bảo Minh và Tổng Công ty Tái bảo hiểm Việt Nam.
Bà Trần Thị Diệu Hằng, Trưởng phòng Bảo hiểm phi nhân thọ Cục Quản lý và Giám sát BH, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 8/2013, tổng lượt hộ tham gia BH là trên 316 ngàn, tổng doanh thu BH gốc trên 339 ngàn tỷ đồng với tổng giá trị được BH hơn 6.400 tỷ đồng và tổng số tiền bồi thường thực trả là gần 590 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thí điểm BHNN cũng đã gặp phải một số khó khăn vướng mắc do đây là loại hình mới, rất phức tạp. Đơn cử như việc triển khai BHNN đối với cây lúa gặp rất nhiều khó khăn; số hộ tham gia không nhiều, chủ yếu theo phong trào. Điều đáng nói, hiện tượng trục lợi bảo hiểm, việc thẩm định thiệt hại, bồi thường vẫn còn hạn chế do lực lượng tham gia còn mỏng.
Với góc nhìn chuyên gia, ông Phùng Đắc Lộc- Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: Chủ trương phát triển BHNN để đảm bảo an sinh xã hội cho nông dân là chủ trương đúng. Qua kinh nghiệm thực tế đã triển khai tại Việt Nam và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cho thấy việc triển khai BHNN là rất khó khăn, phức tạp.
Việc triển khai BHNN Việt Nam thời gian qua chưa mang lại hiệu quả, cũng như đáp ứng được yêu cầu đề ra là hỗ trợ nông dân khi xảy ra tổn thất, chỉ có một số lượng rất nhỏ cây trồng, vật nuôi được BH. Trước đây, Bảo Việt có thử nghiệm bảo hiểm rủi ro cho cây lúa nhưng không thành công. Tập đoàn BH của Pháp là Group Pama đã sang Việt Nam và tham gia BHNN bao gồm: thuỷ sản, gà ở Cần Thơ trong giai đoạn 2002-2004, nhưng đã thất bại!
Phân tích nguyên nhân của việc không thành công này, ông Phùng Đắc Lộc cho biết: Thứ nhất do sản phẩm BH chưa phù hợp; khó khăn về khai thác, giám định, giải quyết bồi thường; Tổn thất cao, lợi nhuận thấp nên khó thu hút được sự tham gia của các DNBH; thị trường tái BH thì chưa phát triển. Về phía người nông dân chưa có thói quen tham gia BH, trong khi đó thu nhập thấp, sản xuất manh mún, thiếu khoa học kỹ thuật, lựa chọn rủi ro đối nghịch. Về mặt quản lý nhà nước chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ chi phí cho nông dân, doanh nghiệp BH chưa tham gia, phối hợp chặt chẽ.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới BHNN, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do thói quen, tập quán sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún của người nông dân từ bao đời nay.
Bà Hằng cũng thông tin thêm: năm 2012, xảy ra tổn thất lớn về BH tôm, cá, các doanh nghiệp BH gặp nhiều khó khăn do không ký được hợp đồng tái BH cho toàn bộ chương trình tái BHNN. Vì vậy, nếu nhà nước tiếp tục thực hiện thí điểm trong điều kiện không thu xếp được tái bảo hiểm, trách nhiệm bồi thường tổn thất nếu xảy ra sẽ rất lớn, cả nhà nước, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cũng không thể đáp ứng được. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn điều chỉnh tăng mức phí BH, đồng thời đàm phán với các nhà tái BH nhận tái BH 82,93% mức trách nhiệm BH để chương trình có thể tiếp tục thực hiện.
Về phía Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thực hiện công tác quản lý, giám sát, ngăn chặn, phòng chống trục lợi BH gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và DNBH. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các DNBH tổ chức khai thác, ký kết hợp đồng BH chặt chẽ. Đồng thời, các DNBH phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo tại địa phương rà soát, giải quyết yêu cầu bồi thường BH đã phát sinh theo hợp đồng BH, quy định lại quy tắc, điều khoản BHNN.
Dù còn nhiều khó khăn, bất cập nhưng BHNN vẫn được đánh giá là tiềm năng để các doanh nghiệp tham gia. Đại diện cho DNBH, ông Phan Bá Trung- Giám đốc Công ty Bảo Việt Nghệ An đề xuất, cần nghiên cứu để có thể triển khai tiếp từ ngày 1/1/2014 với những sản phẩm đã đủ điều kiện để triển khai mà không đợi đến sau khi tổng kết thí điểm (tháng 6/2014), tránh lãng phí tài liệu, kinh nghiệm, mong đợi của người dân và nếu phải khởi động lại sau này thì sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, nhà nước cần hỗ trợ một phần phí BH cho người sản xuất nông nghiệp hoặc DNBH; có cơ chế tài chính riêng cho BHNN.
Hoàng Trâm