Mục tiêu chuyển đổi mô hình Ngân hàng số

Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là mô hình phát triển của nhiều doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả và phát triển tạo ra giá trị mới nhằm tăng sự hài lòng của khách hàng cũng như tìm kiếm thị trường mới. Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), chuyển đổi số chính là cơ hội để đẩy mạnh phát triển, bắt kịp xu hướng thời đại.

Đặt ra mục tiêu chuyển đổi mô hình Ngân hàng số là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững, lâu dài của ngân hàng trong xu thế hiện nay, trong những năm qua, Agribank đã ưu tiên đầu tư các Dự án công nghệ nhằm tăng cường hệ thống máy chủ và cơ sở hạ tầng CNTT, nâng cấp hạ tầng các trung tâm dữ liệu, hệ thống mạng, tăng cường an ninh bảo mật, đảm bảo cho các hệ thống CNTT luôn hoạt động ổn định, an toàn; phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ yêu cầu quản trị điều hành và phát triển dịch vụ sản phẩm mới, kênh phân phối mới...

Với định hướng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng công nghệ thông tin, Agribank cung ứng hơn 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích, tập trung phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, thực hiện chuyển đổi số thông qua việc liên tục ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số, nhằm đơn giản hóa quy trình, nâng cao tiện ích cho khách hàng.

leftcenterrightdel
 Agribank nhận giải thưởng sản phẩm dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu năm 2022. Ảnh do đơn vị cung cấp.

Agribank xác định chuyển đổi số là bước đi chiến lược đúng đắn và quan trọng góp phần giúp ngân hàng tăng khả năng cạnh tranh và mang lại sự hài lòng cho khách hàng. Phát huy lợi thế về mạng lưới, trong tương lai, Agribank sẽ phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới, các giải pháp thanh toán hiện đại phù hợp với xu thế của thị trường và cách mạng công nghệ 4.0.

Ngân hàng số Agribank Digital chinh phục khách hàng

Vừa qua, Agribank ra mắt Agribank Digital Ngân hàng số- Một chạm đa tiện ích cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một Ngân hàng, giúp khách hàng chủ động tiếp cận dịch vụ 24/7: Định danh, xác thực khách hàng bằng phương pháp sinh trắc học eKYC (khuôn mặt, vân tay); Mở tài khoản trực tuyến; Phát hành thẻ trực tuyến; Đăng ký dịch vụ E-Mobile Banking; Đăng ký nhu cầu vay vốn…

Agribank Digital là sản phẩm áp dụng thành tựu công nghệ số, được ví như một "ngân hàng thu nhỏ”, gồm đầy đủ các chức năng hiện đại nhất, có thể thay thế cho giao dịch viên thông thường. Thay vì phải đến tận quầy với nhiều thủ tục phức tạp, giờ đây mọi hoạt động được tích hợp và đơn giản hóa chỉ trong một chiếc máy cùng vài thao tác bấm.

Ra mắt lần đầu vào tháng 9/2022, đến nay, mô hình Ngân hàng số của Agribank đã có mặt tại hầu hết các khu vực trong cả nước như: Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, Miền núi và trung du Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ.

Không chỉ tập trung vào thị trường đô thị, Agribank luôn nỗ lực đưa những giải pháp công nghệ mới nhất, mang những sản phẩm hiện đại đến từng địa phương trên cả nước. Bên cạnh việc đổi mới từng ngày, Agribank chú trọng đầu tư nâng cấp, trang bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ cũng như các kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng mới, từ đó nâng cao chất lượng và đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là khách hàng khu vực nông thôn.

Ngoài những nỗ lực hoàn thiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ nhân viên Agribank luôn chú trọng nâng cao và thay đổi nhận thức cho khách hàng; tích cực tư vấn, hướng dẫn sử dụng những sản phẩm công nghệ mới, hiện đại nhằm đơn giản hóa thủ tục và nâng cao chất lượng trải nghiệm. Thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng truyền thống là một bước chuyển khó khăn, nhận thức rõ điều đó, từ những ngày đầu ra mắt mô hình Ngân hàng số, Agribank luôn định hướng phải đồng hành cùng khách hàng trải nghiệm trực tiếp, để khách hàng là những người được hưởng tối đa lợi ích từ những sản phẩm công nghệ hiện đại, xóa bỏ tâm lý e ngại khi tiếp cận những mô hình mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt là tại khu vực nông thôn.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Văn Tùng cùng các đại biểu tham quan gian hàng trải nghiệm ngân hàng số Agribank Digital. Ảnh do đơn vị cung cấp.

Với phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm” và trọng tâm là phục vụ khách hàng từ nông thôn đến thành thị, Agribank tiếp tục phát triển các sản phẩm tiện ích, an toàn, bảo mật, nâng cao trải nghiệm và gia tăng sự hài lòng của khách hàng. Thời gian tới, với việc hoàn thành triển khai mô hình Ngân hàng số - Agribank Digital tại toàn bộ 17 đơn vị trong toàn hệ thống, tiến tới phủ sóng cả nước sẽ là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của Agribank trong quá trình tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần chủ lực, hiệu quả trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ, thiết thực, đồng hành cùng Ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Mô hình Ngân hàng số - Agribank Digital với ứng dụng công nghệ hiện đại, an toàn nhất hiện nay, mang đến mọi tiện ích giao dịch ngân hàng tự động, được xem là một bước đột phá trong ứng dụng công nghệ hiện đại của Agribank, góp phần cùng ngành Ngân hàng hiện thực hóa mục tiêu đi đầu trong công cuộc Chuyển đổi số quốc gia.

Với vai trò là Ngân hàng thương mại chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, việc Agribank ra mắt và khẩn trương, tích cực đưa Ngân hàng số - Agribank Digital đi vào hoạt động tại các địa bàn trong cả nước có thể xem là một bước tiên phong ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực ngân hàng, mang dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với người dân, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn; góp phần hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi số của toàn ngành Ngân hàng cũng như mục tiêu từng bước thực hiện lộ trình số hóa hoạt động ngân hàng một cách thực chất, qua đó tối đa hóa tiện ích cho người dùng.

Những giải pháp công nghệ do Agribank đã và đang thực hiện nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho các doanh nghiệp và người dân ở địa bàn nông thôn, góp phần đơn giản hóa và tăng hiệu quả thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

Hữu Hoa