Hơn 200.000 doanh nghiệp, chiếm tới gần 66% doanh nghiệp còn "sống" đang kinh doanh lỗ, không có khả năng nộp thuế thu nhập. Ngành thuế méo mặt vì thất thu.
 


Bộ Tài chính đã đưa ra những con số thật u ám. Tính đến hết tháng 9, tổng hợp 306.290 doanh nghiệp đã nộp tờ khai tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp, hiện chỉ có 104.818 doanh nghiệp có lãi trước thuế, chiếm 34,2% số doanh nghiệp. Số các doanh nghiệp “sống khỏe’ này đã giảm so với cùng kỳ năm 2012.

Còn lại, có tới 201.472 doanh nghiệp kê khai lỗ, chiếm 65,8% số doanh nghiệp với tổng số lỗ lên tới trên 50.400 tỷ đồng.

Cùng đó, tình trạng DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động không những không giảm mà còn tăng mạnh. Tính đến hết tháng 9 năm nay, cả nước đã có khoảng 42.460 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Trong đó, 6.742 doanh nghiệp giải thể, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012. Số các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tiếp tục tăng 12,8%, với 35.718 doanh nghiệp.

Chỉ trong một quý, số các doanh nghiệp đang hấp hối, chết dần này đã tăng thêm gần 16.000 doanh nghiệp.

Là địa phương có tới 4.000 DN đã hồi sinh, đại diện Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết tình hình vẫn rất căng. Vị này nói rằng, dù thành phố đã đẩy mạnh việc kết nối các ngân hàng thương mại và DN trên tất cả 24 quận huyện nhưng việc “tiếp máu” cho DN vẫn hạn chế. Các ngân hàng mới chỉ cho vay được 8.781 tỷ đồng cho 415 DN và 600 hộ sản xuất trên địa bàn. Hàng tồn kho còn cao, nhịp độ sản xuất của DN vẫn thấp nên nhiều DN chưa muốn vay vốn ngân hàng.

Thuế méo mặt vì thất thu
 
Trao đổi với PV, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo lắng: "Các DN đang cực kỳ khó khăn. 66% họ kinh doanh không có lãi, không còn khả năng nộp thuế thu nhập. Họ đang ăn vào vốn của mình".
 
“Nhiều DN nhỏ và vừa còn vạ lây chết theo DN lớn. Có những DN, trầy trật vất vả cạnh tranh, đấu thầu mới ký được một đơn hàng với DN lớn, chủ yếu là các DNNN, tập đoàn... , song rốt cục, lại bị nợ tiền. Số nợ chỉ vài trăm triệu, 1-2 tỷ đồng thôi là cũng đủ chết DN rồi”, ông Lộc chia sẻ.

Cuộc khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, 69,2% DN nêu tồn kho chính là mối lo ngại lớn nhất. Nhiều DN còn gặp vấn đề tồn kho thanh toán, tới 27, 6% DN. Và vì thế, chỉ có 54% DN có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng cũng chỉ có khoảng 41% DN là vay được vốn.

"Họ vay vốn không chỉ để tiếp tục đầu tư kinh doanh mà còn để trang trải các chi phí lưu động như trả lương, trả cho nhà cung cấp và cũng có DN vay để đáo nợ", bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh.

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, ngân sách lao đao theo. Lãnh đạo Bộ Tài chính đau đầu đong đếm việc thu chi, khi cho biết, với hơn 2/3 DN lỗ nên vừa qua, ngành thuế chỉ thu thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 57,9% so với dự toán, thấp xa mức hơn 70% dự toán cùng kỳ các năm trước.

Các nguồn thu khác đều đạt kết quả rất thấp so với yêu cầu, ví dụ như thu từ khu vực DNNN chỉ đạt 60,6%, từ FDI đạt 69,5%, từ khu công thương nghiệp ngoài quốc doanh chỉ đạt 64,1%. Các sắc thuế quan trọng đóng góp vào ngân sách cũng bị hụt nhiều, nhưu thuế giá trị gia tăng chỉ đạt 65,5% dự toán, thuế thu nhập cá nhân chỉ đạt 67,2%, thuế bảo vệ môi trường đạt 60%.

Đã hết quý III nhưng tổng thu ngân sách chỉ đạt hơn 543 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 66,6% dự toán.

Tham luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu, bà Phạm Thị Thu Hằng thẳng thắn đánh giá, hàng loạt chính sách miễn, giảm, giãn thời gian nộp thuế chưa thể nói là đã đủ để giúp các DN vực dậy sau những khó khăn. Gói hỗ trợ đó chưa giúp giải thoát DN khỏi nỗi ám ảnh về hàng tồn kho. Trong khi đó, áp lực tăng giá điện, giá xăng, và đặc biệt là tăng lương tối thiểu đang đè nặng lên vai các DN, khiến sự hồi sinh càng mong manh.
 

Theo VEF

.