Cho rằng có tình trạng thỏa thuận ngầm, biết sai vẫn cố tình làm ngơ, Bí thư thành ủy Hà Nội đã quy rõ trách nhiệm của Bí thư, chủ tịch UBND quận Đống Đa nếu còn tiếp tục để nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại.
 
 
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thành phố hiện có khoảng 200 nhà siêu mỏng, siêu méo. Riêng mấy chục ngôi nhà kỳ dị trên tuyến vành đai I đã có “thuốc đặc trị”.
 
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho biết, đối với những thửa đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ, không đủ điều kiện xây dựng, Sở sẽ triển khai thu hồi. Còn những ngôi nhà không hợp chuẩn ở các nút giao đã được thành phố chỉ đạo thu hồi. Thanh tra xây dựng đang phối hợp với quận Đống Đa kiểm tra để tránh phát sinh thêm những ngôi nhà kỳ dị.
 
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, để tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo ngoài vấn đề buông lỏng quản lý của địa phương, Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng phải có trách nhiệm vì chỉ ngồi văn phòng rồi làm quy hoạch trên giấy.
 
Bí thư cho rằng, thực trạng trên dẫn đến không lường hết những rắc rối phát sinh. Nếu vừa quy hoạch trên giấy, vừa có thực tế sẽ phát hiện ra ngay ra chỗ thừa, chỗ thiếu để phê duyệt thu hồi ngay từ đầu. Mặt khác nếu được làm "rắn" thì người dân dù có cố tình vi phạm cũng sẽ xử lý được.
 
Bí thư Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Không ít nơi nguyên nhân chủ yếu đều do công tác cán bộ, biết sai phạm vẫn cố tình làm ngơ. Thậm chí còn thỏa thuận ngầm, bắt họ nộp tiền rồi không phá dỡ”.
 
Yêu cầu tập trung xử lý tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, Bí thư Phạm Quang Nghị cho biết sẽ nhìn vào đó để đánh giá chất lượng lãnh đạo của Bí thư, Chủ tịch quận Đống Đa. Nếu còn để tình trạng “thò ra, thụt vào” lãnh đạo quận Đống Đa sẽ phải chịu trách nhiệm.
 
Ông Nghị cũng nói thêm đã kiến nghị lên lãnh đạo Chính phủ về việc sửa quy định phạt cho tồn tại, bởi nếu quy định như vậy nghĩa là đã chấp nhận một việc vi phạm pháp luật trở thành hợp pháp.
 
Theo Infonet  
.