Hiện nay, hầu hết các tuyến sông của cả nước đều có vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi, nhất là tình trạng khai thác cát lậu gây ra nhiều nguy cơ về môi trường, sạt lở, thất thu ngân sách. Do đó, cần quyết liệt ngăn chặn ngay tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép... và xử lý hình sự với những đối tượng vi phạm nặng.

 


Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho biết từ năm 2008 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính hơn 83 ngàn trường hợp, trong đó 22 vụ với 65 đối tượng liên quan đến khai thác cát, sỏi trái phép đã bị điều tra, khởi tố hình sự. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi vẫn còn rất phức tạp, chưa được xử lý triệt để; nhất là tại các địa bàn giáp ranh, như: Vĩnh Phúc - Hà Nội - Phú Thọ; Bà Rịa - Vũng Tàu - TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai...

Theo phản ánh của nhiều địa phương, việc nạo vét đường thủy nội địa cũng bị không ít đối tượng lợi dụng khai thác cát, sỏi dẫn đến phá hủy lòng sông, ảnh hưởng đến dòng chảy. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho hay hiện cả nước có khoảng 7.100 vụ vi phạm về đê điều, còn tồn động hơn 5 ngàn vụ chưa xử lý. Nhiều sông, hồ lớn trong cả nước đã và đang có hiện tượng giảm mực nước gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Vấn đề sụt lở đất do khai thác cát ngày càng nghiêm trọng, cả nước đã mất khoảng 500 hécta đất do xói lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính và phát triển bền vững quốc gia. Vì theo đánh giá các chuyên gia nước ngoài, Việt Nam cần hàng tỷ USD để khắc phục hậu quả này.

Tuy nhiều địa phương đã thực hiện tích cực, hiệu quả việc kiểm tra, xử lý nhưng do lợi nhuận lớn nên cát tặc vẫn tìm mọi cách tiếp tục khai thác, sẵn sàng chống trả. Tại những địa phương tạm ngừng hoặc không cấp phép khai thác cát, sỏi, như: Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh... nạn cát tặc vẫn lộng hành. Cụ thể, tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo cấm và tạm thời cấm khai thác khoáng sản cát, sỏi; hoạt động chủ yếu hiện nay chỉ là nạo vét thông luồng cho giao thông đường thủy. Thời gian qua, Đồng Nai đã tập trung chỉ đạo chặt chẽ tăng cường quản lý trên sông; tỉnh đã ký kết với các tỉnh lân cận quy chế phối hợp quản lý khai thác khoáng sản trên sông. Từ 2013 đến nay, tỉnh đã bắt hơn 260 vụ khai thác trái phép, xử phạt hơn 3,3 tỷ đồng. Nhờ xử lý cương quyết nên tình hình khai thác lậu có giảm xuống. Tuy nhiên do đặc điểm là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh có đường thủy dài khiến nạn khai thác cát trái phép khó chấm dứt.

Xử lý nghiêm

Theo phản ánh của nhiều địa phương, nạn cát tặc và những vi phạm trong khai thác cát, sỏi vẫn phổ biến chủ yếu do quy định xử phạt vẫn còn nhiều bất cập, tạo sơ hở cho các đối tượng lợi dụng. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên khoáng sản; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên vùng trong kiểm tra; nhất là tập trung triển khai xử lý triệt để ngay các điểm nóng gây bức xúc trong dư luận.

Từ thực tế xử lý vi phạm trong khai thác cát, sỏi ở Đồng Nai, ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng hiện mức xử lý những vi phạm trong khai thác cát, sỏi chưa đủ sức răn đe; nhất là những hành vi vận chuyển kinh doanh, tàng trữ cát trái phép chưa có quy định xử phạt. Đồng Nai kiến nghị cần quy định rõ những vi phạm trong khai thác cát, sỏi: như thế nào là nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; cần đưa chế tài xử lý cả việc kinh doanh, vận chuyển cát trái phép; Bộ Công an phải vào cuộc chỉ đạo trong công tác phối hợp giữa các tỉnh trong quản lý, xử lý nạn cát tặc ở các vùng giáp ranh.

Trả lời phản ánh của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận những bất cập trong quy định xử lý, quản lý. Hiện Bộ đang nghiên cứu, hoàn thiện quy định mới, trong đó có những nội dung mà các địa phương đã đề cập. Trong đó, xác định rõ cát tặc là một loại tội phạm và các bộ, ngành liên quan cần đưa ra quy định xử phạt cụ thể.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Chính phủ sẽ thành lập thêm các đoàn thanh tra, kiểm tra để giải quyết ngay các điểm nóng khai thác cát; xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép. Nhà nước phải quản lý theo nề nếp các loại vật liệu xây dựng để sử dụng lâu dài, hiệu quả, đồng thời không cấp phép mới việc xuất khẩu cát. Các giấy phép khai thác đã cấp cũng cần tổ chức kiểm tra, lấy ý kiến của địa phương để đánh giá lại. Ngoài ra, cần lập kênh thông tin nóng để người dân có thể trực tiếp phản ánh đến các cơ quan chức năng từ địa phương, trung ương để các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời.

 

Theo Báo Đồng Nai

.