Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Tòng Thị Phóng sẽ trình bày Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2020; kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ nghe Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến.
Sau đó, thay mặt Hội đồng bầu cử Quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng sẽ trình bày Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2020; kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Cũng theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội sẽ giành phần lớn thời gian để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước gồm: Bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; Bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng quốc phòng-an ninh.
Quốc hội cũng nghe và thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016…
Theo công bố của Hội đồng bầu cử Quốc gia, tại cuộc bầu cử QH khóa XIV vừa qua, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao đạt 99,35%. Nhìn chung tỉ lệ bỏ phiếu rất cao trong đó có nhiều tỉnh đạt tỉ lệ rất cao như Thừa Thiên-Huế, Yên Bái, Lai Châu...
Tổng số người ứng cử ĐBQH khóa XIV là 870 người, tổng số đại biểu trúng cử trong ngày 22/5/2016 và bầu cử bổ sung ngày 29/5/2016 ở thành phố Cần Thơ là 496 người (thiếu 4 đại biểu so với tổng số 500 đại biểu được bầu) ở Sóc Trăng, Lâm Đồng, Đồng Nai…
Trong số các ứng cử viên do Trung ương giới thiệu, có 15 ứng cử viên không trúng cử ở các địa phương. Cụ thể, có 7/14 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về TPHCM không trúng cử. Con số này ở Hà Nội là 4 người trong số 13 ứng cử viên được Trung ương giới thiệu (4/13), Đồng Tháp (1/3), Phú Yên (1/2), Trà Vinh (1/2), Sóc Trăng (1/2).
Về cơ cấu kết hợp, có 86 người là dân tộc thiểu số (thiếu 4 so với dự kiến), phụ nữ là 133 người (thiếu 17 người so với dự kiến), người ngoài Đảng 21 người (giảm 4,2% so với khóa XIII), trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) đạt 14,30% (cao hơn 21 người so với dự kiến), tái cử 160 người (đúng dự kiến), đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu 317 người (đạt 63,9%), tự ứng cử trúng 2 người (giảm 0,4% so với khóa XIII), trình độ trên đại học 310 người (chiếm 62,50%), đại học 180 người (36,30%), dưới đại học 6 người.
Theo infonet