Clip khoảng 90 giây cho thấy, người đàn ông có hành vi dùng vũ lực, đá, đạp đối với phụ nữ giữa đường phố, khiến nạn nhân ngã ra đường, bất tỉnh. Người đàn ông này sau đó cho biết, nạn nhân là vợ mình.
 
 
Trong trường hợp giám định cho thấy, tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 11% trở lên, hoặc thấp hơn nhưng thuộc các trường hợp nghiêm trọng như: gây cố tật nhẹ cho nạn nhân, phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người, đối với phụ nữ đang có thai… thì người vi phạm có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 BLHS, với khung hình phạt cơ bản là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
 
Trường hợp phạm tội được xác định là ở mức độ nghiêm trọng hơn, người phạm tội có thể phải chịu hình phạt cao nhất đối với tội danh này là tù chung thân.
 
Có thể đặt ra giả thiết, người có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có nguyên do trực tiếp hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân, trường hợp này người phạm tội có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 105 BLHS.
 
Clip cho thấy, có sự can thiệp của một số người dân thể hiện sự bất bình và nhằm chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật của người đàn ông. Tôi cho rằng, việc tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm là cần thiết và là nghĩa vụ của mọi công dân.
 
Nhưng cần lưu ý, sự can thiệp nếu quá mức cần thiết (có người nhảy vào đánh, tát… khi hành vi bạo hành đã kết thúc), có thể bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
 
Clip ghi lại một trường hợp bạo lực gia đình cụ thể. Tuy nhiên, vụ việc phản ánh tình trạng hành vi bạo lực gia đình diễn ra khá phổ biến, dưới dạng công khai hoặc không công khai, nhưng một tỷ lệ không nhỏ vi phạm đã không bị phát hiện, xử lý.
 
Để giảm tình trạng này, mỗi người dân cần nâng trách nhiệm, đấu tranh phòng ngừa tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn và báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện ra vi phạm. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ quan điểm, hình phạt phải thật nặng, mà chỉ cần tương xứng với hành vi vi phạm.
 
Điều quan trọng ở đây là làm thế nào mọi vi phạm thì không tránh khỏi phải bị xử lý. Hình phạt nặng không quan trọng bằng việc có vi phạm những không bị phát hiện, hoặc bị phát hiện nhưng không bị xử lý.
 
Đồng thời việc xử lý vi phạm là để làm cho người vi phạm nhận thức, hành vi của họ đã gây ảnh hưởng xấu tới chính họ và cộng đồng, đồng thời khuyến khích người vi phạm tự nguyện khắc phục (chấp hành chế tài xử phạt và chấm dứt ngay vi phạm). Nếu như vậy, hành vi bạo hành gia đình chắc chắn sẽ giảm.
 
Theo Lao động