(BVPL) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây: “Nợ công đã đe dọa an ninh tài chính”. Đó không chỉ là nỗi lo của riêng Chủ tịch Quốc hội mà trong các phiên họp của Quốc hội, nợ công luôn là đề tài làm “nóng” nghị trường.

 


Bước sang thế kỷ 21, cùng với sự hồ hởi trước tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm “năm sau cao hơn năm trước” là lúc nợ công xuất hiện ở nước ta như một bóng đen ngày một lớn. Vào những năm thập niên đầu của thế kỉ 21, nợ công của nước ta chỉ chiếm xấp xỉ từ 35 - 40% GDP, nhưng chạm ngưỡng thập kỉ thứ 2 của thế kỉ này, tỉ lệ nợ công đã vọt lên 57% (năm 2010). Và năm 2014 dù chưa hết năm, song nợ công đã xấp xỉ tỷ lệ 60%. Bước sang năm 2015, các nhà dự báo cho biết, tỷ lệ này sẽ là 64%, nghĩa là chỉ kém 1% trần an toàn mà Quốc hội đưa ra cho nền kinh tế nước ta 65%. Sự tăng vọt nợ công của Việt Nam bắt nguồn từ sự thâm hụt ngân sách. Trên dưới một thập niên vừa qua, tỉ lệ này cũng tăng vọt ở mức đáng báo động. Nếu từ năm 2003 đến năm 2007, sự thâm hụt bình quân hàng năm chỉ dừng ở 1,3%  GDP thì từ năm 2008 đến năm 2012 đã tăng lên 2,7%. Giai đoạn này, nền kinh tế nước ta có tỉ lệ thâm hụt ngân sách cao nhất trong khu vực, gấp 6 lần so với Indonesia và gấp 2 lần so với Thái Lan. Năm 2013, con số thâm thụt được tính là 162 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 5% GDP) và năm 2014 này, sự thâm thụt đã là 5,3% DGP…

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, trong quá trình đi lên không có nền kinh tế nào có thể “miễn dịch” đối với nợ công, đặc biệt là với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Điều đáng quan tâm ở đây là nguy cơ nợ công đã trở thành mối lo ngại hàng đầu từ cơ quan quyền lực tối cao cho đến mỗi một người dân Việt Nam trong những năm trở lại đây. Và mặc dù đã được bàn tán, thảo luận rất nhiều trong nghị trường Quốc hội, thậm chí không ít các giải pháp quyết liệt đã được nêu ra, song chẳng những nợ công không giảm mà ngày càng gia tăng.

Muốn cắt nghĩa nguyên nhân của tình trạng nợ công ngày càng gia tăng và trở thành căn bệnh kinh niên của nước ta cần tính đến đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam. Cách đây hơn hai thập niên, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế lạc hậu trong vòng kiềm toả, cô lập của thế giới. Khi thực hiện chính sách mở cửa và trong quá trình phấn đấu để trở thành một nước phát triển và đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp hiện đại thì chúng ta phải phấn đấu rất nhiều, nhất là hạ tầng cơ sở cũng như sự nâng cấp đồng bộ các khoản đầu tư. Với nguồn ngân sách hạn hẹp thì việc đi vay để tăng trưởng kinh tế, để xây dựng hạ tầng là tất yếu. Nhưng vốn vay được sử dụng, sinh lợi ra sao lại là thước đo trình độ quản lý và đặc trưng thể chế một quốc gia.

Thực tế cho thấy, các khoản đầu tư công thường chia làm hai lĩnh vực. Lĩnh vực đầu tư gồm các dự án cung cấp dịch vụ công thuần tuý không có nguồn thu, như: xây trụ sở cơ quan, trang bị cho các công sở, nhân viên chính quyền, phúc lợi xã hội… Loại thứ hai bao gồm các dự án có thu như: xây dựng hạ tầng đường sá, cầu cống (gần đây mới có thu), các cơ sở công nghiệp nhà nước...

Thể chế nước ta hiện nay đang đề cao sự lãnh đạo của tập thể mà chưa quan tâm đúng mức đến quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân trong một số lĩnh vực. Việc chỉ ra cơ quan nào phải chịu trách nhiệm để nợ công lâm vào tình trạng đáng báo động này lại gần như bị bỏ ngỏ. Chính vì mù mờ trách nhiệm và quyền hạn cả chung lẫn riêng như vậy nên việc bảo lãnh chung chung cho việc đi vay thì rất dễ dàng, nhưng quy tội cho vốn vay này không hiệu quả, bị lãng phí, bị tham nhũng, thâm hụt và cuối cùng là chịu trách nhiệm cho việc trả nợ lại càng mù mờ hơn. Và cũng chính sự mù mờ này đã dẫn đến tình trạng không ít ngành, không ít địa phương vô tư đi vay, khi có tiền thì chi tiêu thiếu kế hoạch, kiểm soát không chặt chẽ hoặc buông lỏng quản lý nguồn tiền mà không lo phải trả nợ. Và cũng từ sự mù mờ về trách nhiệm đối với nợ công như vậy nên gần đây, tình trạng thích “vẽ” ra các dự án để kiếm lợi cho cá nhân với tâm lý “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” càng nảy nở. Đây cũng chính là nguyên nhân và kẽ hở khiến tệ tham nhũng nhen nhóm, trong khi sự truy tìm kẻ tham nhũng vô cùng khó khăn. Một mô hình quản lý lợi cá nhân hưởng, trách nhiệm tập thể chịu đã tạo ra sự “hoà cả làng” khiến nợ công ở nước ta ngày càng gia tăng.

Cũng từ sự mù mờ về trách nhiệm nên tình trạng quản lý chung chung đối với nợ công vẫn đang tồn tại. Các loại dự án không có nguồn thu, có nguồn thu mỗi năm cần bao nhiêu vốn, xuất phát từ yêu cầu nào, do cấp nào, cá nhân nào quản lý và chịu trách nhiệm đến cùng hầu như không được báo cáo con số, con người cụ thể. Và tình trạng “gà tức nhau tiếng gáy”, tìm dự án để kiếm lợi riêng, coi ngân sách nhà nước như “miếng bánh ngon” vẫn đang phổ biến và ít nhiều được dung dưỡng, bất chấp nợ công đang chất lút đầu, chưa biết bao giờ mới trả được.
 

Nguyễn Hiếu

.