Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 27 các nước thành viên UNCLOS
Cập nhật lúc 00:05, Thứ bảy, 17/06/2017 (GMT+7)
Từ ngày 12-16/6, Hội nghị lần thứ 27 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York. (thành viên , Hội nghị lần thứ 27, UNCLOS, Việt Nam )
Từ ngày 12-16/6, Hội nghị lần thứ 27 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York.
|
Đại sứ Nguyễn Phương Nga phát biểu tại phiên họp của Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Tham dự hội nghị có đại diện của hơn 160 quốc gia thành viên UNCLOS, đại diện các cơ quan được thành lập theo Công ước, bao gồm Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương (ISA) và Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc (CLCS), cùng với đại diện một số tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực biển và đại dương.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị do Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc làm Trưởng đoàn.
Tại hội nghị, đại diện các quốc gia thành viên UNCLOS đã xem xét báo cáo hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước, thảo luận về các vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện Công ước và phát triển của luật biển quốc tế.
Trong dịp này, các quốc gia thành viên UNCLOS đã tiến hành bầu bảy vị trí thẩm phán ITLOS nhiệm kỳ 2017-2026 và 21 thành viên CLCS nhiệm kỳ 2017-2022.
Các phát biểu tại hội nghị năm nay khẳng định tầm quan trọng của Công ước là khung pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh các hoạt động và các vấn đề liên quan đến biển, đại dương và đề xuất nhiều giải pháp xử lý các vấn đề nảy sinh trong việc quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển, đánh cá không bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng... nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 14.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục phát triển, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý biển và đại dương, sớm hoàn thành Quy định về thăm dò, khai thác vùng đáy đại dương và hoan nghênh kết quả thảo luận tại Ủy ban trù bị về xây dựng văn kiện pháp lý thuộc Công ước nhằm điều chỉnh vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị ngày 15/6, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đánh giá cao kết quả của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về thúc đẩy thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển vừa được tổ chức trong tuần trước cũng như hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga nêu rõ tầm quan trọng của Biển Đông đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và thế giới, nhấn mạnh việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không, hợp tác trong việc sử dụng bền vững Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Việt Nam tích cực hợp tác với các nước thông qua các diễn đàn song phương và đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; an ninh, an toàn hàng hải và hàng không; tìm kiếm và cứu nạn; ứng phó với tình huống khẩn cấp và tác động tiêu cực của biển đối khí hậu, chống tội phạm ở Biển Đông.
Ở cấp quốc gia, Chính phủ và nhân dân các địa phương Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp như bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, ứng phó với tình huống khẩn cấp và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ở các vùng ven bờ của Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ với các nước khu vực trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Nam kêu gọi các bên liên quan không có các hành động gây phức tạp tình hình, làm gia tăng căng thẳng tại khu vực, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả DOC và sớm hoàn thành COC./.
Theo TTXVN/Vietnam+
.