Vay mua nhà khó khăn hơn khi ngân hàng tăng lãi suất
Cập nhật lúc 15:44, Thứ năm, 24/05/2018 (GMT+7)
So với vài tháng trước, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng cổ phần đã tăng khoảng 1 - 2% một năm. Cùng nhiều điều kiện thắt chặt khác, người dân không dễ vay được tiền mua nhà.
Dạo qua một số website ngân hàng thương mại cổ phần để tìm hiểu lãi suất cho vay mua nhà, chị Minh Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khá băn khoăn chưa dám vay vì lãi suất khá cao. Qua tìm hiểu, chị Trang được biết Ngân hàng Vietcombank cho vay cố định trong 12 tháng đầu, lãi suất ưu đãi là 7,7% một năm; cố định 24 tháng, lãi suất 8,7% mỗi năm.
Sau thời gian ưu đãi trên, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ 3,5% một năm (theo mức tính hiện nay, lãi suất khoảng 10,5% mỗi năm).
|
|
Vay tiền mua nhà sẽ khó khăn hơn khi các nhà băng siết dòng tiền đổ vào bất động sản. |
Chị Trang cho biết, lãi suất còn có thể tăng thêm và điều kiện cho vay cũng khó hơn. Nhân viên của ngân hàng này giải thích, thời gian qua bất động sản tăng nóng, rủi ro cao mà dư địa cho vay lĩnh vực này lại hạn chế nên lãi suất tương đối cao.
Tại một số ngân hàng khác, lãi suất cho vay mua nhà cũng cao. Chẳng hạn, Ngân hàng ACB có lãi suất dao động 8,5 - 10% tuỳ từng đối tượng khách hàng. Trong khi đó, tại ngân hàng OCB, lãi suất cho vay bất động sản thông thường là 8,99% cho 12 tháng đầu, sau đó là khoảng 11,5%. So với vài tháng trước, lãi suất cho vay mua nhà, sửa nhà tại các ngân hàng cổ phần đã tăng khoảng 1 - 2% mỗi năm.
Không chỉ lãi suất cho vay cao mà các ngân hàng còn "siết" lượng tiền cho vay. Một số ngân hàng chỉ cho vay tối đa 70% giá trị nhà thay vì 80 - 90%, đồng thời tính toán khá chặt chẽ nguồn trả nợ của khách.
Không phải ngẫu nhiên dòng tiền của các ngân hàng có sự chuyển hướng như vậy. Theo đại diện của một ngân hàng, thời gian qua bất động sản một số nơi tăng nóng, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng, đặc biệt là phân khúc bất động sản cao cấp. Việc giới hạn tín dụng bất động sản trong thời điểm này là hợp lý và cần thiết với các ngân hàng.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng 2 cuộc khủng hoảng "bong bóng" bất động sản năm 2007 - 2008 và năm 2010 có nguyên nhân trực tiếp bắt nguồn từ chính sách nới lỏng tín dụng, thậm chí đã cho vay dưới chuẩn, thể hiện tăng trưởng tín dụng năm 2007 lên đến hơn 37%, trong đó một phần rất lớn đổ vào bất động sản. Có tình trạng các ngân hàng thương mại không kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay tín dụng mà lẽ ra phải được sử dụng đúng mục đích.
Tình hình hiện nay đã khác. Tăng trưởng tín dụng của cả nước năm 2017 đạt 18,17% (chỉ gần bằng một nửa mức tăng trưởng tín dụng nóng 37% của năm 2007). Dự kiến năm 2018 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 17% cũng là mức tăng hợp lý.
"Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán. Đây là những động thái tích cực ngăn ngừa bong bóng bất động sản quay trở lại", ông Châu cho hay.
Tín dụng vào lĩnh vực bất động sản sẽ được hạn chế theo lộ trình. Năm 2018, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, chủ yếu là lĩnh vực bất động sản. Tỷ lệ này sẽ giảm còn 40% kể từ ngày 1/1/2019). Các ngân hàng thương mại không có hiện tượng buông lỏng tín dụng. Lãi suất huy động hiện nay khá ổn định. Lãi suất cho vay trung và dài hạn trong khoảng 9,3 - 11%/năm.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014 theo hướng siết chặt tín dụng vào bất động sản. Theo đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% giảm còn 40%. Đồng thời nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay liên quan đến bất động sản từ 150% lên 250%. Điều này sẽ giới hạn nguồn vốn cho vay bất động sản của các ngân hàng.
Hoàng Dương/Báo Tin tức