(BVPL) - Chiều ngày 14/7/2015, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tại phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về chế độ và bảo đảm hoạt động của ngành KSND. Tham dự phiên họp, về phía VKSNDTC có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC; đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC và đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Phó Viện trưởng VKSNDTC.
 

 Viện trưởng VKSNDTC trình bày báo cáo tóm tắt nội dung các Tờ trình tại phiên họp.
Viện trưởng VKSNDTC trình bày báo cáo tóm tắt nội dung các Tờ trình tại phiên họp.

 

Sáng 14/7, Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 đã khai mạc tại Hà Nội. Phiên họp thứ 39 diễn ra trong 1 ngày với nội dung đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9 và chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13; cho ý kiến về Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về việc thành lập Tòa án nhân dân một số huyện, thị xã thuộc tỉnh; Tờ trình của VKSNDTC về chế độ phụ cấp lãnh đạo, quản lý; bổ sung biên chế, chế độ tiền lương và phụ cấp của chức danh pháp lý; chế độ cấp phát và sử dụng trang phục của VKSND; việc thành lập VKSND ở một số đơn vị hành chính cấp huyện vừa được chia tách, thành lập mới...

Báo cáo tóm tắt nội dung các Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ và bảo đảm hoạt động của ngành KSND theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 do Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày tại phiên họp nêu rõ, thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014 và Nghị quyết về việc thi hành Luật tổ chức VKSND, tại phiên họp lần thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 7 nghị quyết về tổ chức bộ máy của VKSND. Tại phiên họp lần này, VKSNDTC trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nghị quyết về chế độ và bảo đảm hoạt động của VKSND như: quy định chế độ phụ cấp đối với các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành KSND; quy định chế độ tiền lương và phụ cấp đặc thù đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức, viên chức của VKSND các cấp; quyết định tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ các ngạch Kiểm sát viên, Điều tra viên của VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp; quy định chế độ cấp phát và sử dụng trang phục ngành KSND, hình thức, kích cỡ phù hiệu, cấp hiệu của lãnh đạo VKSND các cấp, của Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, Giấy chứng minh Kiểm sát viên; thành lập VKSND cấp huyện ở một số đơn vị hành chính (thành lập mới, nâng cấp) theo quy định điều chỉnh địa giới hành chính. Cũng theo Viện trưởng VKSNDTC thì quan điểm chỉ đạo xây dựng các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đó là phải bảo đảm thể chế hóa đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định về tổ chức bộ máy, cán bộ và chính sách tinh giản biên chế; kế thừa, tiếp thu những nội dung còn phát huy tác dụng, phù hợp với quy định hiện hành; sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc để phù hợp với quy định mới của Luật tổ chức VKSND năm 2014. Cùng với đó, việc xây dựng các nghị quyết còn phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật, văn bản pháp luật khác có liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm hoạt động của VKSND đồng thời tham khảo, tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm hợp tác quốc tế.  

Báo cáo tóm tắt thẩm tra các Tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục của cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND; về biên chế, số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên; về thành lập một số VKSND cấp huyện của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khẳng định, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết phải ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm thực hiện những quy định mới của Luật tổ chức VKSND năm 2014, Nghị quyết số 82 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức VKSND. Liên quan đến Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập một số VKSND cấp huyện, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC về việc thành lập VKSND tại các đơn vị hành chính cấp huyện mới được thành lập. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị VKSNDTC lưu ý về khối lượng công việc, phương án sắp xếp, phân bổ biên chế, đầu tư cơ sở vật chất, bố trí trụ sở làm việc của các VKSND cấp huyện nêu trên, nhất là đối với những VKSND tại các đơn vị thành lập mới do điều chỉnh địa giới hành chính hoặc đơn vị chưa có trụ sở làm việc.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến với nhiều nội dung tại các tờ trình của VKSNDTC. Trước đó tại phiên họp, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã trình bày Tờ trình về việc đề nghị thành lập Tòa án nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
 

V.T

.