(BVPL) - Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã báo cáo Quốc hội kết quả thẩm tra, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2017.
 


Ủy ban Kinh tế tán thành với đánh giá kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, một số ngành, lĩnh vực tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được chú trọng và đạt một số kết quả tích cực, quốc phòng an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.


Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức lớn, doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn cao, đời sống người dân còn khó khăn, ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều nơi nhưng khắc phục và cải thiện còn chậm, mất an toàn thực phẩm còn phổ biến gây bức xúc xã hội; trật tự an toàn xã hội trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến phức tạp.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn về một số vấn đề như sau: Tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt 6,21% thấp hơn so với kế hoạch đề ra, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 ước đạt 6,3-6,5% và cũng thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tại Kỳ họp thứ 2 cũng cho rằng, các yếu tố tác động để tốc độ tăng trưởng GDP tăng cao hơn là chưa chắc chắn và chưa được định lượng cụ thể và rất khó đạt được mức tăng 6,3-6,5% như Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.

Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đây là năm thứ 2 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm 2017 trên các lĩnh vực như báo cáo đã nêu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ một số khó khăn, thách thức như: Tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây chủ yếu là do khu vực công nghiệp – xây dựng giảm so với cùng kỳ, trong đó các nhóm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, khai khoáng, điện tử, máy tính, xây dựng đều sụt giảm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ và tổng cầu gặp khó khăn. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.

Ngoài ra, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ và dự báo sẽ đạt chỉ tiêu tăng khoảng 6-7%. Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu 4 tháng tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng rất cao so với các năm gần đây. Có ý kiến lo ngại con số nhập siêu quá cao, chiếm đến 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, chuyển nhanh từ trạng thái xuất siêu sang nhập siêu, vì vậy, thời gian từ nay đến cuối năm cần phải xem xét kỹ những tác động đến tỷ lệ nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt, không gây ảnh hưởng đến mức nhập siêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, cơ cấu xuất khẩu hiện phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI và mặc dù Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước ở khu vực ASEAN và Trung Quốc trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế nhưng chưa có giải pháp căn cơ để tận dụng các cơ hội thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn.

Đền bù thiếu minh bạch, thiếu hợp lý tại cơ sở

Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, các dự án BOT giao thông được triển khai trong thời gian qua đã góp phần đảm bảo cung ứng cho xã hội những công trình về giao thông có chất lượng dịch vụ cao hơn, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần phải đánh giá thực chất và kỹ lưỡng quy định pháp luật và chất lượng dự án, đồng thời kịp thời xử lý những bức xúc của dư luận xã hội.

Đáng nói, công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, chuyển nhượng quyền sử dụng đất “chui” kéo dài trong nhiều năm đang trở nên nghiêm trọng, chênh lệch địa tô ngân sách nhà nước không thu được. Công tác quản lý đất đai yếu kém, thu hồi, đền bù thiếu minh bạch, thiếu hợp lý tại cơ sở và chưa thực hiện nghiêm túc quy định về đối thoại và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo gây ra xung đột lợi ích kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội.  

Cùng với đó, khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa được kiểm soát chặt chẽ. Xuất hiện tình trạng khai thác tài nguyên theo kiểu tận khai, tận diệt như khai thác cát, gỗ trái phép ở một số địa phương làm cạn kiệt nguồn nước, sạt lở bờ sông..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng tới khả năng phòng, chống thiên tai. Việc để xảy ra tình trạng như trên là do sự buông lỏng quản lý của các cấp, ngành nên đã để cho các nhóm lợi ích cấu kết làm mất hiệu lực chính sách quản lý. Một số ý kiến cho rằng, cần sớm đánh giá các nguồn năng lượng trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các hình thức sản xuất năng lượng như xây dựng hệ thống thủy điện, nhiệt điện đã và sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và trữ lượng tài nguyên thiên nhiên.

Từ những nhận định trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần quan tâm một số giải pháp như: Đổi mới tư duy cải cách thể chế, thay đổi chính sách mang tính căn cơ, dài hạn như chính sách thu hút FDI có chọn lọc thay vì tận dụng chính sách năng lượng giá rẻ. Cần nghiên cứu sớm tạo thể chế hình thành các khu hành chính - kinh tế đặc biệt; xây dựng các chính sách mang tính đột phá cho các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp

Ủy ban kinh tế đề nghị quan tâm một số giải pháp, trong đó có điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, hạn chế tín dụng không bền vững, tín dụng cho vay đầu tư bất động sản, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp để phát triển doanh nghiệp. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, kiểm soát và tăng cường kỷ luật ngân sách, giảm bội chi ngân sách, giảm áp lực nợ công, quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay trả nợ nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Tiếp tục cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách hành chính. Có cơ chế xử lý cắt giảm vốn đầu tư đối với dự án, công trình giải ngân chậm, khuyến khích các dự án, công trình giải ngân đúng tiến độ.

Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ, giảm tối đa tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối. Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, các bộ, ngành trong việc chậm cổ phần hóa. Rà soát các dự án đầu tư có vốn nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động và có giải pháp xử lý dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài, báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Thực hiện chính sách đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một số mặt hàng của các doanh nghiệp FDI, thực hiện các chính sách chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, hạn chế xuất khẩu sản phẩm chưa qua chế biến. Đầu tư, xây dựng thương hiệu những sản phẩm có chất lượng quy mô sản xuất lớn phục vụ xuất khẩu. Thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực của khu vực kinh tế nội địa trong xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời khai thác và tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế tăng trưởng từ thị trường nội địa, qua đó giảm nhu cầu nhập khẩu, hỗ trợ cải thiện cán cân thương mại. Đồng thời, cần rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép kinh doanh đa cấp, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
 

Đức Hòa

.