(BVPL) - Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.

 


“Về chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên chúng ta cần xem xét lại vì việc đầu tư còn rất dàn trải.Cần ưu tiên cho các chương trình lớn. Cần điều chỉnh lại 16 chương trình mục tiêu Quốc gia, chú trọng các chương trình trọng điểm như phát triển nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Làm được 3 chương trình này là chúng ta sẽ đảm bảo xóa đói giảm nghèo bền vững, bảo đảm an ninh”, ĐB Cự nhấn mạnh.

ĐB Cự cũng băn khoăn, Chính phủ nên dành một phần ngân sách cho một số tỉnh thường xuyên bị bão lụt, các tỉnh nghèo thường xuyên bị lũ lụt. Ví dụ xây trường học kiên cố 2 tầng tại các vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt, vừa để cho các cháu học vừa để khi có lũ lụt nhân dân có thể trú, tránh. Bởi vì các tỉnh này đang phấn đấu để thoát nghèo thì gặp cơn bão, lũ tàn phá lại tái nghèo.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Lê Phước Thanh (đoàn Quảng Nam) cho rằng nên đầu tư ngân sách vào các chương trình trọng điểm trong năm 2014. Về vấn đề phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014, ĐB Thanh cho rằng, để tránh bội chi ngân sách thì chúng ta phải chấp nhận “thắt lưng buộc bụng”.

Chương trình mục tiêu không nên dàn trải, nếu chúng ta cứ dàn trải mãi thì hiệu quả không cao. Cần tập trung đầu tư để xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới nên tập trung và giảm thời gian, bên cạnh đó là công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

“Để chương trình mục tiêu quốc gia thực sự hiệu quả, tôi cho rằng công tác quản lý đối với các chương trình mục tiêu này cần giao cho các địa phương để phân cấp quản lý và gắn trách nhiệm này đối với từng cấp từ tỉnh, huyện, xã đối với cụ thể từng chương trình”, ĐB Thanh nhấn mạnh.

Cho ý kiến về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho rằng: “Việc phát hành trái phiếu Chính phủ để có vốn  đầu tư cho một số công trình trọng điểm là thật sự cần thiết, tuy nhiên theo tôi cần phải tính đến tần suất trả nợ để cân đối cho phù hợp. Bởi việc phát hành trái phiếu Chính phủ đa số thời gian trả nợ là ngắn hạn và trung hạn”, ĐB Khá đề nghị. Còn ĐB Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) băn khoăn, việc bổ sung để phát hành trái phiếu Chính phủ cho các công trình dở dang cần phải tính đến nguyên nhân nào dẫn đến sự dở dang của các công trình này. Việc dở dang có phải là do Nghị quyết 11 hay không? ĐB Minh phản ánh, việc đầu tư cho quốc lộ 1, trong báo cáo Chính phủ không thể hiện rõ bao nhiêu km mà chỉ nêu rất chung chung là có 17 đoạn BOT, còn 23 đoạn Nhà nước làm.

“Tôi thấy thực tế hiện nay chúng ta làm 1 km đường với hơn 60 tỷ đồng, có đoạn hơn 100 tỷ đồng (gấp 2,5 lần thế giới) là quá đắt, cần phải tính toán lại. Chúng ta không cần đường quá đẹp mà chỉ cần đường có chất lượng tốt”, ĐB Minh nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: Việc phát hành trái phiếu Chính phủ cần phải cân đối để sau con cháu chúng ta trả nợ như thế nào. Chúng ta phải đặt vấn đề phát triển cho phù hợp để cân đối trả nợ. Thực tiễn chúng ta còn nhiều khó khăn, cần phải có bước tính để tăng trưởng bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cái căn bản nhất của chúng ta sau 30 năm đổi mới là phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cần phải làm thế nào để cho số người nghèo giảm dần và cần thiết chúng ta phải tập trung xóa đói giảm nghèo cho người dân. Chúng ta chưa thực hiện một giá nên vẫn còn trường hợp xin – cho, vẫn còn trường hợp “chạy” dự án.

“Bệnh viện vẫn có 2 giá như giá chữa bệnh tự nguyện, giá chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong giáo dục cũng vậy, giá trường công, giá trường tư là khác nhau. Một đất nước như thế mà cả giáo dục và y tế lại xuống cấp như vậy”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Hiện nay chúng ta thu không bù chi nên vẫn phải đi vay để đầu tư rồi chi thường xuyên và tiền để trả nợ. Việc phát triển thị trường tài chính, tiền tệ chậm nên vẫn có nguy cơ bị đe dọa. Việc phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, không bao gồm 75 nghìn tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015 sẽ gặp khó, phải tính kỹ là vay nhưng lấy tiền ở đâu để trả nợ.
 

PV

.