Xác định và thiết lập các mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với nhân dân lao động các nước trên thế giới có ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ sự suy yếu của các dân tộc phương Đông trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân chính là do thiếu sự đoàn kết quốc tế.
Người viết: “Nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự biệt lập. Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau”(1).
Vì vậy, theo Người, các dân tộc thuộc địa phải thiết lập và có khả năng thiết lập để tiêu diệt kẻ đang nô dịch họ, chính là quan hệ với các dân tộc thuộc địa cùng khổ khác. Bên cạnh đó, cách mạng Việt Nam, cũng như phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa khác cần quan hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Các dân tộc ở đó không bao giờ có thể ngẩng đầu lên được nếu không gắn bó với giai cấp vô sản thế giới” và “Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa”(2).
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được bạn bè quốc tế yêu mến và kính phục. Ảnh tư liệu |
Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc hợp tác với các nước trên thế giới, mở rộng quan hệ quốc tế, Người không bao giờ nhầm lẫn giữa những giá trị văn minh của nhân loại với những biểu hiện tha hóa, xấu xa của chủ nghĩa dân tộc ích kỷ. Người cho rằng, mọi thành tựu khoa học - kỹ thuật và mọi nguồn lực kinh tế - văn hóa được tạo ra đều là tài sản chung của toàn nhân loại.
Nếu như chủ nghĩa tư bản đã lợi dụng những thành tựu này để phục vụ cho sự tồn tại của mình thông qua quá trình toàn cầu hóa, thì những thành tựu này không có nghĩa là của riêng chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội có xây dựng thành công, trước hết, phải biết kế thừa và phát triển những thành tựu kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa của nhân loại.
Cho nên, Người khẳng định: Chính sách đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(3) và “Trong quan hệ đối với các nước khác, chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là rõ ràng và trong sáng: Đó là một chính sách hòa bình và quan hệ tốt. Chính sách đó dựa trên 5 nguyên tắc vĩ đại nêu trong các bản tuyên bố chung Trung - Ấn và Trung - Miến”(4). Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, đó là:
Một là, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau. Trong quan hệ quốc tế, việc giữ vững độc lập và chủ quyền được đặt lên vị trí hàng đầu. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi mối quan hệ với các nước, trước hết là phải giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc mình trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, ngoại giao,... và đòi hỏi tất cả các nước phải thật sự tôn trọng quyền thiêng liêng tối cao đó. Trong quan hệ quốc tế, nhân nhượng nhau là cần thiết, nhưng một vấn đề mang tính nguyên tắc là không nhượng bộ vấn đề độc lập và chủ quyền, Người chỉ rõ: “Chính phủ buộc Pháp phải công nhận nền độc lập của nước ta. Được thế, về vấn đề khác cũng có thể giải quyết rất dễ dàng”(5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, độc lập chủ quyền của Việt Nam phải gắn liền với vấn đề thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Thực tế lịch sử, Việt Nam là một quốc gia thống nhất, nhưng thực dân Pháp đã dùng chính sách chia để trị, chúng chia Việt Nam thành ba xứ với ba chế độ cai trị khác nhau, miền Nam là xứ Nam kỳ tự trị thuộc Pháp, miền Trung là xứ bảo hộ, miền Bắc là xứ bán bảo hộ. Vì vậy, cuộc đấu tranh giành độc lập, chủ quyền của nhân dân Việt Nam luôn phải gắn liền với toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất Tổ quốc. Người khẳng định: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”(6).
|
|
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành (hàng đầu, bên trái) cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Việt - Triều hữu nghị tại Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội tháng 11/1964. Ảnh: dangcongsan.vn |
Hai là, không xâm phạm lẫn nhau. Trong quan hệ quốc tế, Hồ Chí Minh chủ trương giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng thương lượng hòa bình, phù hợp đạo lý và luật pháp quốc tế, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Trước khi diễn ra cuộc chiến tranh Việt - Pháp, Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng thương lượng hòa bình. Việc ký kết với Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ (06/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946) là kết quả của các cuộc thương lượng tìm kiếm hòa bình, tránh chiến tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong Lời tuyên bố với phóng viên báo “Pari - Sài Gòn” (13/12/1946), Người khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách”(7). Vì theo Người, chiến tranh đều có hại cho cả hai nước Việt - Pháp, Người đã kêu gọi người Pháp không có những hành động khiêu khích và thật thà cộng tác với Việt Nam một cách bình đẳng thân thiện.
Ba là, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tán thành và kiên trì đấu tranh bảo vệ và thi hành nguyên tắc này trong quan hệ quốc tế. Khi trả lời ông Vaxiđép Rao, thông tín viên hãng Roitơ (tháng 5/1947), Người nêu rõ: “Chúng tôi muốn gửi thế giới lời này: Là ước mong tất cả các người dân chủ trên thế giới đoàn kết với nhau để bảo vệ cho nền dân chủ trong các nước nhỏ cũng như trong các nước lớn!(8).
Trong quan hệ với các nước, Việt Nam kiên quyết giữ vững quyền độc lập tự chủ, theo tinh thần tự quyết không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào, vì theo Người: “Việc thống nhất đất nước Việt Nam là việc nội bộ của nhân dân Việt Nam, không một nước nào có quyền can thiệp”(9). Tháng 6/1955, trong lời phát biểu khi thăm Trung Quốc, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: Tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau”(10).
Bốn là, bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Trong quan hệ giữa nước ta với các nước trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi vì những mục tiêu chung, kết hợp đúng đắn lợi ích dân tộc với lợi ích quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với người Việt Nam và người Pháp là: “Có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc”(11).
Theo Người, hòa bình là lợi ích của tất cả các dân tộc, do đó phải đấu tranh cho hòa bình trên thế giới được bền vững, “giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí”(12). Tuy nhiên, khi hợp tác với các nước, nhất là với các nước tư bản chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực đế quốc và phản động, Người luôn đề phòng và tìm mọi cách để ngăn chặn những tác động xấu, những hành động lợi dụng hợp tác để phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, nhất là vi phạm độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
|
|
thăm Liên Xô năm 1955. Ảnh tư liệu |
Do vậy, trong quan hệ với bất cứ nước nào, hợp tác với bất cứ lực lượng nào, Hồ Chí Minh đều đòi hỏi phải trên cơ sở thật thà, dân chủ, bình đẳng và cùng có lợi, chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn để dẫn tới sự can thiệp và thôn tính lẫn nhau. Người khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh họ như anh em bầu bạn. Song nhân dân Việt Nam kiên quyết cự tuyệt những người Pháp quân phiệt”(13).
Năm là, chung sống hòa bình, mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa phương và đa dạng các mối quan hệ. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến việc hợp tác với các nước trên thế giới, vì theo người, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng hợp tác với các nước, kể cả các nước không cùng chế độ xã hội, thậm chí, cả với nước đã từng xâm lược nước ta. Trong một lần trả lời các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ về thái độ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là: “Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác.
Có thể rằng: Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”(14) và “Giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Nhật Bản, mặc dù Chính phủ Nhật Bản hiện nay đang áp dụng một chính sách không thân thiện đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng tôi đã cố gắng duy trì những quan hệ buôn bán giữa Việt Nam với một số công ty Nhật Bản”(15).
Quan điểm hợp tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các nước là hoàn toàn nhất quán và rõ ràng. Điều này chúng ta thấy rất rõ trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc (tháng 12/1946) gửi: Đại Anh quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và các nước thành viên khác của Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày nguyên tắc đối ngoại ở điểm 2 là: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc…
Trong cuộc đấu tranh vì những quyền thiêng liêng của mình, nhân dân Việt Nam có một niềm tin sâu sắc rằng họ cũng chiến đấu cho một sự nghiệp chung, đó là sự khai thác tốt đẹp những nguồn lợi kinh tế và một tổ chức có hiệu quả cho an ninh ở Viễn Đông”.
Các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII của Đảng đều khẳng định, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là: Độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.
Đồng thời, Đảng cũng đã chỉ ra các nguyên tắc khi mở rộng quan hệ đối ngoại là: Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
-------------------------------
(1), (2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr. 284, 468, 295; (3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr. 256; (4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 113, 12; (5, 6, 7, 11, 14, 16). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 47, 280, 526, 511, 91, 523; (8). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr. 164; (9). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 362; (12). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 273; (13). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 56.
15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 293.
ThS. Nguyễn Thị Kim Hoa
(Theo Tạp chí Mặt trận)