Có thể nói, phác họa nhân dạng qua lời mô tả (facial composite) là biện pháp đầu tiên cảnh sát các nước thực hiện khi không xác định được cụ thể nhân thân và hình dạng nghi phạm. Có những nghi phạm đã bị tóm vì bức phác họa trong trường hợp khá hy hữu.


* Ngày 17/1/2006, một kẻ trộm đột nhập vào nhà của ông Bill Green, 82 tuổi, ở TP. Heathmont (Úc). Để không gặp nguy hiểm, ông Green đã chạy khỏi nhà. Tên trộm rời khỏi hiện trường sau khi lấy đi chiếc xe đạp của cháu ông. Ông Green lập tức báo cho cảnh sát. Khi cảnh sát đến, ông Green đề nghị phác họa chân dung tên trộm để cảnh sát dễ truy bắt hơn và đã tự thực hiện điều đó chỉ trong vài phút. Dựa vào phác họa trên, ngay sau đó, cảnh sát đã bắt được tên trộm tại một cửa hàng trong vùng. Không có gì bất ngờ khi ông Green có thể phác họa chân dung tên trộm nhanh đến thế: ông là một họa sĩ chuyên vẽ hí họa cầu thủ bóng đá cho các báo.

* Một trường hợp khác, Timothy McVeigh, kẻ được xem là đã đánh bom sát hại nhiều người Mỹ trước khi vụ khủng bố 11/9 xảy ra. Chiếc xe tải chứa đầy bom được kích nổ ngay trước tòa nhà Alfred P. Murrah ở Oklahoma ngày 19/4/1995 đã khiến 168 người chết và 600 người khác bị thương. Sau vụ nổ, McVeigh biến mất nhưng từ biển số xe tìm được ở hiện trường, cảnh sát xác định, chiếc xe dùng để đánh bom được thuê ở Junction City. Với mô tả của các nhân viên nơi cho thuê xe, các họa sĩ đã phác họa chân dung của Timothy McVeigh và hắn bị bắt, sau đó bị kết án tử hình, thụ án ngày 11/6/2001.

 

Theo PNO

.