Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) cùng nhiều tàu vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam không đơn thuần chỉ là để khoan dầu, mà còn phục vụ cho mục đích chính trị của nước này, với ý đồ "độc chiếm" Biển Đông.
 
 
Ngay sau đó, có khoảng gần 100 trang mạng, bao gồm cả Tân Hoa xã, Nhân dân nhật báo, Thời báo Hoàn Cầu, Tin tức Trung Quốc… đã đưa tin và trích đăng phát biểu của Phó Vụ trưởng Vụ biên giới và Hải đảo Dị Tiên Lương tại cuộc họp báo này, cho rằng “đây là việc làm chính đáng của Trung Quốc trong vùng lãnh hải của quần đảo 'Tây Sa', cách đất liền của 'thành phố Tam Sa' 17 hải lý, trong khi cách Việt Nam 150 hải lý. Việt Nam là bên chủ động khiêu khích, đưa cả tàu quân sự, người nhái và các vật cản nguy hiểm ra quấy rối, phía Trung Quốc buộc phải đáp trả."
 
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 6/5 đã đăng bài xã luận với tiêu đề “Trung Quốc cần tỏ thái độ kiên quyết với Hà Nội” với nhiều đoạn mang tính cáo buộc trắng trợn như: “Nhà cầm quyền Việt Nam đã sách nhiễu nghiêm trọng giàn khoan nước sâu của Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc” và “người ta tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp vì sự khiêu khích của Việt Nam. Không chỉ vì vị trí của giàn khoan nằm trong đường chín đoạn, mà còn vì nó nằm gần Tây Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc”… 
 
Tờ báo này cũng đăng hai bài xã luận “Việt Nam phản đối ở 'Tây Sa', Trung Quốc cần bịt mũi cười mỉa” và “Việt Nam vô lý phản đối việc thăm dò 'Tây Sa' của Trung Quốc”, cho rằng giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 đang tác nghiệp ở vùng biển quần đảo 'Tây Sa' đã bị phía Việt Nam quấy rối nghiêm trọng; đe dọa rằng “nếu Việt Nam trở thành kẻ khiêu khích cực đoan tại 'Nam Hải' thì Việt Nam chính là “con chim đầu đàn” mà Trung Quốc ngắm chuẩn ở 'Nam Hải', để Việt Nam thấy được lợi bất cập hại về nhiều mặt…"
 
Việc tuyên truyền một chiều, sai trái sự thật ở Biển Đông của chính phủ Trung Quốc là hành động vô cùng nguy hiểm, khiến cho người dân Trung Quốc hiểu sai sự thật, gây mất đoàn kết, phá hoại tình cảm tốt đẹp của nhân dân hai nước. Hành động đó có thể làm ý thức dân tộc của hai nước lên cao dẫn đến kích động đòi chiến tranh. 
 
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhân dân Trung Quốc có cái đầu đủ tỉnh táo để phán xét một cách khách quan những hành động ngang ngược, bá quyền của Trung Quốc, hành động đe dọa nước nhỏ, thể hiện sự “thiếu trách nhiệm” của một nước lớn đối với hòa bình, an ninh khu vực.
 
Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam
 
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của UNCLOS 1982. 
 
Dư luận đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam phản đối Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 và một lượng lớn tàu các loại, bao gồm cả tàu quân sự, vào hoạt động ở khu vực phía Nam đảo Tri Tôn là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế. 
 
Cách thức phản đối và đấu tranh của Việt Nam là hết sức có tình, có lý, vì hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế. Trên thế giới đã diễn ra hàng chục cuộc biểu tình phản đối hành động xâm phạm của Trung Quốc đối với vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, trong đó không chỉ có cộng đồng người Việt Nam mà còn thu hút được nhiều bạn bè quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam. 
 
Đã có nhiều thỉnh nguyện thư, tuyên bố và thông cáo báo chí phản đối hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 
 
Các cơ quan truyền thông ở nhiều nước trên thế giới (Mỹ, Nga, Đức, Pháp, Anh, Italy, Australia, Bungary, Hungary, Uzbekistan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan…) cũng đã đăng tải hàng trăm bài viết với nội dung lên án hành động của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở khu vực./.
 
Theo Vietnam+
.