Trong tương lai, giá nước ngầm có thể sẽ cao hơn giá nước mặt nhiều lần.
 
Hệ thống nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM đang bị ảnh hưởng mạnh do khai thác nước ngầm gây ra, do đó rất cần phải được bảo vệ. Đây là vấn đề được Sở TN&MT TP.HCM đưa ra tại buổi tổ chức lấy ý kiến về đề án “Lập bản đồ phân vùng cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM”, ngày 11-9.
 
Cấm nội thành, hạn chế vùng ven
 
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả lập đề án (thuộc Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước Việt Nam), hiện nay TP.HCM đang khai thác nước dưới đất với lưu lượng hơn 669.000 m3/ngày. Theo đó, mực nước đã bị hạ thấp, tạo thành một cái phễu lan rộng, gây nguy cơ lún sụp.
 
Hệ thống quan trắc nước dưới đất cho thấy ở tầng chứa nước pliocen trên và dưới cho thấy mực nước có xu hướng tiếp tục giảm. Cụ thể tại quận 12 mực nước đã xuống sâu gần 34 m, tại huyện Bình Chánh là 26 m và tại huyện Hóc Môn là 21 m… Việc khai thác nước quá mức là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng lún mặt đất ở nhiều khu vực. Do đó, để tránh các tác hại tiếp theo gây ra cho môi trường như tăng lún sụp mặt đất, tăng xâm nhập mặt, tăng ô nhiễm nguồn nước dưới đất khi khai thác nước ngầm vượt quá khả năng là vấn đề cần được quan tâm, thực hiện.
 
 Nhiều khu vực người dân chưa có nước máy buộc phải sử dụng nước ngầm. Ảnh: KB
Nhiều khu vực người dân chưa có nước máy buộc phải sử dụng nước ngầm. Ảnh: KB
 Nhiều khu vực khoan giếng khai thác nước ngầm ở TP.HCM mặt đất bị biến dạng. (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Nhiều khu vực khoan giếng khai thác nước ngầm ở TP.HCM mặt đất bị biến dạng. (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
 
Qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước Việt Nam, xác định vùng cần cấm khai thác nước ngầm, gồm các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11... Tổng diện tích của vùng cấm khai thác khoảng 195 km2, chiếm 10% diện tích phân bố của các tầng chứa nước. “Đây là vùng nước hạ thấp lớn, nguy cơ gây lún mặt đất mạnh hơn các vùng khác, lại gần ranh nước mặn và gần một bãi rác lớn (bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh). Do đó, nếu thực hiện lệnh cấm khai thác vùng này thì sẽ làm cho mực nước ngầm tăng lên. Qua đó, tình trạng lún mặt đất, xâm nhập mặn sẽ giảm” - ThS Phan Văn Tuyến, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu lập bản đồ phân vùng cấm khai thác nước ngầm, phân tích.
 
Vùng cần hạn chế khai thác nước dưới đất, chiếm diện tích 1.268 km2, bằng 62% diện tích phân bố các tầng chứa nước, phân bố quanh vùng cấm khai thác, được tính từ quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Chánh, huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Vùng được phép khai thác nước ngầm, chiếm diện tích 572 km2, phân bố từ quận 12 tới huyện Hóc Môn, Củ Chi.
 
Cần một lộ trình hợp lý
 
ThS Phan Văn Tuyến cho biết bản đồ quy hoạch phân vùng cấm và hạn chế khai thác nước đất đã đạt được mục tiêu đề ra theo Quy hoạch cấp nước của TP.HCM đã được Thủ tướng ra quyết định phê duyệt từ năm 2012. Theo quyết định này, đến năm 2015, TP.HCM chỉ được phép khai thác nước ngầm 440.000 m3/ngày, đến năm 2025 chỉ còn được khai thác 100.000 m3 nước ngầm/ngày.
 
Việc giảm lượng nước khai thác từ 669.000 m3/ngày xuống còn 440.000 m3/ngày trong thời gian từ nay đến năm 2015 đã khiến nhiều đại biểu tham dự buổi lấy ý kiến băn khoăn. Đại diện một công ty xây dựng hạ tầng ở Bình Chánh cho biết đơn vị này đang thực hiện nhiều dự án khu dân cư ở những vùng chưa có nước máy, buộc phải sử dụng nước ngầm. Do đó, nếu cấm khai thác nước ngầm mà nước máy vẫn chưa có thì cuộc sống của người dân sẽ bị đảo lộn. Đại diện chủ đầu tư hạ tầng nhiều KCN trên địa bàn cũng bày tỏ lo ngại về việc cấm và hạn chế nước ngầm sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, cần phải xây dựng lộ trình thay đổi nguồn nước. Việc cung cấp nguồn nước mới thay thế nước ngầm phải đảm bảo chất lượng, lưu lượng, áp lực nước và giá cả.
 
“Việc hạn chế khai thác nước ngầm là cần thiết nhưng phải có lộ trình hợp lý, phải tính toán về hiệu quả kinh tế-xã hội. Nhiều đơn vị sản xuất hiện nay đang sử dụng nước ngầm nếu chuyển sang dùng nguồn nước khác phải có giá cả phù hợp để không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh” - đại diện Tổng Công ty Việt Thắng bày tỏ.
 
Theo ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên Khoáng sản, Sở TN&MT, việc nghiên cứu lập bản đồ quy hoạch vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm chỉ là kết quả nghiên cứu khoa học. Dựa trên kết quả khoa học này, Sở TN&MT sẽ tham mưu cho TP xây dựng chính sách phù hợp về quản lý và sử dụng nguồn nước. “Để đảm bảo về an ninh nguồn nước cần phải duy trì nguồn nước ngầm, đề phòng khi nguồn nước mặt xảy ra sự cố. Tuy nhiên, theo quy định mới do Bộ TN&MT đang hoàn chỉnh để áp dụng thì trong thời gian tới giá nước ngầm sẽ cao hơn giá nước mặt nhiều lần” - ông Ngà cho biết thêm.
 
Lấp giếng khoan, ngăn ô nhiễm
 
Sở TN&MT sẽ khảo sát về thực trạng sử dụng giếng khoan ở quận Gò Vấp và Bình Thạnh. Sau đó sẽ lập phương án lấp giếng khoan một cách khoa học, không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm. Dựa trên kết quả thực hiện ở hai quận này, Sở TN&MT sẽ áp dụng thực hiện trên toàn địa bàn TP.

 

Theo Hoàng Nhiên
Pháp luật VN