Nhằm tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và để nâng cao kiến thức nghiệp vụ, sự hiểu biết về công tác PCCC, Ban Chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra về công tác an toàn PCCC đối với 42 cơ sở gồm: các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; các khu, cụm công nghiệp; cơ sở trọng điểm nguy hiểm về cháy nổ và các tổng kho xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, trạm chiết nạp khí đốt hóa lỏng.

 


Đại tá Lê Văn Xây, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CA tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh cho biết: Đợt kiểm tra này nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm, yêu cầu khắc phục, sửa chữa các sai phạm, thiếu sót, không bảo đảm an toàn PCCC; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là các trường hợp đã kiến nghị khắc phục nhưng cơ sở không tổ chức thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh; chủ động hướng dẫn các cơ sở thực hiện có hiệu quả các biện pháp an toàn PCCC, tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Thời gian tổng kiểm tra từ ngày 3 đến 29-9-2014. Theo đó, việc kiểm tra tập trung vào những nội dung cụ thể:

Thứ nhất: Đối với các cơ sở trọng điểm nguy hiểm về cháy, nổ và các tổng kho xăng dầu, kho khí đốt hóa lỏng, trạm chiết nạp khí đốt hóa lỏng kiểm tra 10 vấn đề sau:

1. Việc lập và cập nhật hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC tại cơ sở.

2. Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở trong việc tổ chức phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các nội quy, quy định về an toàn PCCC cho cán bộ, công nhân viên; việc tổ chức thực hiện các quy định PCCC trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sắp sếp bảo quản hàng hóa.

3. Vị trí xây dựng, đường giao thông vào khu vực cơ sở và đường cho xe chữa cháy hoạt động, khoảng cách an toàn PCCC đến các công trình lân cận xung quanh.

4. Các điều kiện ngăn cháy, chống cháy lan giữa nhà và công trình, việc sắp xếp hàng hóa bảo đảm lối thoát nạn và khoảng cách ngăn cháy theo quy định.

5. Kiểm tra các lối thoát nạn, cửa thoát hiểm, đèn chiếu sáng sự cố trong và ngoài cơ sở.

6. Việc thực hiện các quy định về PCCC đối với hệ thống điện, hệ thống chống sét; việc sử dụng lửa trần, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; vật tư, hàng hóa, chất dễ cháy.

7. Kiểm tra số lượng, chất lượng và tình trạng hoạt động của các phương tiện PCCC được trang bị. Kiểm tra hệ thống báo cháy, chú ý kiểm tra kỹ đối với hệ thống cung cấp nước chữa cháy, các bình chữa cháy và trang thiết bị chữa cháy khác, trong đó chú ý đến các biển báo cấm, nội quy - tiêu lệnh về PCCC.

8. Việc thành lập và huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở; chế độ tuần tra, canh gác, bảo vệ, nhận thức và hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở.

9. Kiểm tra các phương án chữa cháy của cơ sở, việc tổ chức thực tập phương án chữa cháy. Chú ý phương án có phối hợp của nhiều lực lượng, trong đó có lực lượng công an địa phương. Đặc biệt lưu ý đến phương án thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan.

10. Kiểm tra việc mua bảo hiểm cháy, nổ theo Nghị định 130/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8-11-2006 và theo Công văn 5051 ngày 30-8-2007 của UBND tỉnh về việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Thứ hai: đối với các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị kiểm tra 12 vấn đề:

1. Hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về PCCC của chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.

2. Hồ sơ quản lý về công tác PCCC.

3. Việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các nội quy, quy định và kiến thức pháp luật về PCCC cho các hộ tiểu thương kinh doanh trong khu vực chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.

4. Việc bố trí các quầy, sạp, kiốt và khoảng cách an toàn PCCC (sơ đồ bố trí). Việc bố trí nơi giữ ôtô, xe gắn máy, xe đạp và các giải pháp bảo đảm giao thông phục vụ cho xe chữa cháy và các hoạt động cứu chữa khi có cháy xảy ra.

5. Các điều kiện và việc tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản khi có cháy.

6. Các điều kiện ngăn cháy, chống cháy lan bên trong chợ, cháy lan ra ngoài và ngược lại; nguồn nước phục vụ chữa cháy; yêu cầu phá dỡ đối với các quầy, sạp tự ý cơi, nới, làm thêm mái che lấn chiếm lối đi lại, lối thoát nạn bên trong chợ.

7. Việc ăn, ở, sinh hoạt, đun, nấu, đốt nhang, đèn, thờ, cúng trong khu vực chợ.

8. Hệ thống điện và việc quản lý sử dụng điện trong chợ (yêu cầu tách riêng thành 3 hệ thống riêng biệt: Điện kinh doanh, điện bảo vệ và điện phục vụ chữa cháy theo quy định tại Điều 25 của Luật PCCC).

9. Lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, thoát nạn bằng nguồn DC.

10. Các hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ về số lượng, chất lượng.

11. Số lượng, chất lượng phương tiện chữa cháy tại chỗ gồm: bình chữa cháy, máy bơm chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường, nơi nào phương tiện chữa cháy thiếu hoặc không đảm bảo chất lượng thì yêu cầu sửa chữa, trang bị bổ sung kịp thời.

12. Các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị đầu mối bắt buộc phải trang bị máy bơm chữa cháy chuyên dùng. Việc lắp đặt hệ thống điện và sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện tại các hộ tiểu thương.
Thượng tá Lê Thanh Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CA tỉnh, Tổ phó Tổ kiểm tra cho biết: Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ sở đều chấp hành tốt Luật PCCC; người đứng đầu các cơ sở thể hiện tốt vai trò của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCCC. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn những thiếu sót như: hệ thống máy bơm chữa cháy chuyên nghiệp đã cũ, lạc hậu; chợ TX. Gò Công vẫn còn 16 hộ tiểu thương bày bán hàng hóa lấn chiếm lối đi, lối thoát hiểm; chợ thị trấn Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây) và chợ Hòa Khánh (huyện Cái Bè) để người mua hàng hóa chạy xe vào nhà lồng chợ lấn chiếm lối đi, lối thoát hiểm…

 

Theo Báo Ấp Bắc

.