Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Tuy nhiên, hiện nay tội phạm ở Việt Nam đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa; tình trạng trẻ em và người chưa thành niên (CTN) bị xâm hại, đặc biệt là bị xâm hại tình dục cũng như trẻ em, người chưa thành niên phạm tội thời gian gần đây gia tăng một cách đáng lo ngại.
 


Về vấn đề lập Tòa án riêng cho người CTN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cũng cho rằng, các TAND như hiện nay xét xử người CTN vi phạm pháp luật hoặc xét xử các vụ việc nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người CTN khi bị xâm phạm không còn phù hợp, đòi hỏi cần phải có Tòa án chuyên trách để xét xử những vụ án liên quan tới người CTN.

Được biết, Dự thảo Đề án thành lập Tòa án gia đình và người CTN đang được TANDTC chủ trì xây dựng. Xuất phát từ lợi ích tốt nhất của trẻ em phải được đặt lên hàng đầu, cần có một cơ chế giải quyết vụ án một cách toàn diện đối với những trường hợp người CTN phạm tội, từ khâu điều tra, xét xử, thi hành án, tới việc tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, việc thành lập Tòa án riêng biệt cho người CTN đáp ứng yêu cầu này, cần được xem xét sớm thành lập. Người CTN là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, nên đòi hỏi trong đấu tranh phòng chống tội phạm là người CTN, yêu cầu với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đòi hỏi càng phải cao hơn, nhất là sự am hiểu về tâm lý tội phạm.
 

Văn Phúc