Tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công là những lĩnh vực được Chính phủ ‘điểm chỉ’ vẫn còn tham nhũng nghiêm trọng.
 
Trong Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2014 vừa gửi tới các ĐBQH, phục vụ cho kỳ họp thứ 8 dự kiến khai mạc tuần tới, Chính phủ đã nêu bật các kết quả PCTN thời gian qua có tác dụng răn đe nhất định và hạn chế tham nhũng. “Tuy nhiên tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp” – đánh giá của Chính phủ.
 
Tăng xét xử, khởi tố
 
Trong năm qua, VKSND các cấp đã truy tố 329 vụ/751 bị can về tội tham nhũng (tăng 20 vụ so với cùng kỳ năm trước). Cục Điều tra của VKSND tối cao đã khởi tố 16 vụ/14 bị can có hành vi tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 9 vụ, 91 bị cáo so với năm 2013), trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2 %; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 21,3% (năm 2013 là 31,2%). Đặc biệt là đã xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng được dư luận quan tâm.
 
Theo Chính phủ, trong nỗ lực tổng thể phòng chống tham nhũng, bốn giải pháp được đánh giá là có hiệu quả tích cực gồm: cải cách hành chính; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nhất là trách nhiệm giải trình trong việc thực thi công vụ); xây dựng, thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
 
Hai giải pháp được đánh giá hiệu quả ở mức trung bình: chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Ba giải pháp nhiều ý kiến đánh giá hiệu quả thấp: Kê khai tài sản, thu nhập; đổi mới phương thức thanh toán và nộp lại quà tặng.
 
Đối tượng tham nhũng quan hệ rộng
 
Đánh giá về tình hình tham nhũng, Chính phủ cũng chỉ rõ: tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp.
 
“Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.
 
Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích” – theo báo cáo.
 
Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp.
 
Báo cáo cũng cho hay, công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp. Việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán thiếu chế tài cụ thể, chưa đủ mạnh để buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hành.
 
Chính phủ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp là do các đối tượng phạm tội tham nhũng thường có nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó, cất giấu tài sản, hợp thức hóa, tiêu hủy tài liệu thời gian giải quyết các vụ án tham nhũng thường kéo dài (do mất thời gian giám định thiệt hại) dẫn đến các tài sản là tang vật của vụ án bị hư hỏng, xuống cấp, giảm giá trị khi bán đấu giá.
 
Năm 2015, Chính phủ dự kiến thực hiện 10 nhóm giải pháp PCTN, trong đó, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định của bộ luật Hình sự liên quan đến tham nhũng theo hướng: bổ sung một số tội danh về tham nhũng; quy định cụ thể điều kiện miễn hoặc giảm hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác.
 
Theo Vietnamnet
.