leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh:VGP

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về 6 nội dung chính: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; báo cáo tổng hợp kết quả làm việc của các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và kiến nghị, đề xuất theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 được tổ chức trong thời điểm sau thành công của Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội. Vừa qua, 25 đoàn công tác của các thành viên Chính phủ đã làm việc với các địa phương, nên Chính phủ mời lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp để có thêm thông tin, đánh giá về tình hình trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã thông báo nhiều tín hiệu, số liệu tích cực trên các lĩnh vực, cho thấy tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 tiến triển tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so với tháng 4 và tính chung 5 tháng, tình hình có nhiều điểm sáng.

Cụ thể, ông Phan Văn Mãi- Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận sự khởi sắc tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế, cho thấy dấu ấn các quyết sách vĩ mô, sự quyết liệt của Chính phủ cộng với nỗ lực của địa phương. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng, sản xuất công nghiệp xây dựng thoát âm... là những yếu tố giúp kinh tế Thành phố vượt lên trong quý 2. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng GRDP quý 2 của Thành phố tăng 5,87% so với cùng kỳ.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng, các bộ, ngành đã hướng dẫn tháo gỡ 18/30 vướng mắc của thị trường bất động sản, Hồ Chí Minh đang tập trung giải quyết 16/36 nội dung thuộc thẩm quyền. Tổ công tác do Chủ tịch UBND Thành phố đứng đầu đã họp hằng tuần để giải quyết các vấn đề, dự kiến cuối tháng 6 sẽ phân nhóm, phân định trách nhiệm rất rõ với các dự án bất động sản cụ thể.

leftcenterrightdel
 Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã thông báo nhiều tín hiệu, số liệu tích cực. Ảnh:VGP

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng, thủ tục, phòng cháy chữa cháy. Số doanh nghiệp thành lập mới có tăng nhưng quy mô vốn giảm. Các thị trường bất động sản, trái phiếu phục hồi nhưng chưa mạnh… Vì vậy, chúng ta cần củng cố, nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.

Còn Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, mỗi ngày, tỉnh thông quan 1.000-1.200 chuyến container hàng hóa, tương đương trên 20.000 tấn hàng hóa, hiệu suất thông quan so với trước dịch đã có lúc cao hơn. Đơn cử, với nền tảng cửa khẩu số, hàng hóa được khai báo từ trước, cửa khẩu Hữu Nghị mỗi ngày thông quan 700 xe trong khoảng 10 tiếng và làm việc tới 20h tối, trung bình 1 xe chỉ mất 45 giây. Thời gian thông quan trung bình tại cửa khẩu Tân Thanh lâu hơn, khoảng 1,5 phút do nhiều hàng hóa không chính ngạch, mất nhiều thủ tục hơn.

Ông Thiệu cho rằng, việc ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu Lạng Sơn hiện nay chủ yếu do lượng hàng hóa rất lớn tập trung trong thời gian gắn, trong đó hoa quả mùa vụ chiếm tới 85%. Ông đề nghị các biện pháp đồng bộ như: các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hoa quả trong nội địa; các doanh nghiệp cân nhắc, lựa chọn cửa khẩu phù hợp, tránh dồn về một địa điểm; các bộ, ngành tiếp tục cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành như: kiểm dịch; trao đổi với phía Trung Quốc để đẩy tốc độ thông quan hơn nữa và mở thêm một số cửa khẩu đã đóng trong đại dịch.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương 2,02 tỉ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022; đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị. Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng từ đầu năm đến nay, đạt bình quân 517 USD/tấn, cao nhất trong 10 năm qua. Ngành gạo đạt thắng lợi kép, vừa giảm chi phí, vừa tăng giá bán cho nông dân.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đầu tuần tới, phiên đàm phán cấp Bộ trưởng với UAE về hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước sẽ bắt đầu; đồng thời ngày mai, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với phía Trung Quốc về các giải pháp thúc đẩy giao thương giữa hai nước, trong đó có việc quyết liệt tháo gỡ nông sản ùn ứ tại cửa khẩu.

Trình bày báo cáo tổng hợp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ đầu năm đã bước đầu phát huy hiệu quả. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, nước ta nằm trong nhóm 10 thị trường logistics mới nổi.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tháng 5 tiếp tục có chuyển biến so với tháng 4 và quý I. Tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II.

Minh Nhật