leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh:VGP

10 điểm nổi bật trong chỉ đạo, điều hành

Tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác như: giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia...

Phát biểu tạo phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 10 điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành tháng 4 và 4 tháng vừa qua. Cụ thể:

Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định 08), thị trường bất động sản (Nghị quyết 33).

Thứ hai, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm quốc gia với 5 tổ công tác được thành lập.

Thứ ba, cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp (NHNN đã ban hành 2 thông tư về nội dung này).

Thứ tư, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất (Nghị định 12) và đang trình cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Nghị quyết 58).

Thứ sáu, xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế (Nghị quyết 30 và Nghị định 07).

Thứ bảy, tổ chức các hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội gắn với các hội nghị xúc tiến đầu tư.

Thứ tám, tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác quy hoạch, chuyển đổi số, du lịch, ngoại giao kinh tế, thực hiện Đề án 06, các phiên họp Ban chỉ đạo về cải cách hành chính, các công trình trọng điểm quốc gia..., gặp mặt các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để lắng nghe các ý kiến một cách cầu thị.

Thứ chín, tập trung xử lý quyết liệt, có hiệu quả với các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, các ngân hàng yếu kém. Trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương, đã tìm được đầu ra cho 8 dự án. Cùng với đó, xử lý các vấn đề liên quan Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Nhiệt điện sông Hậu 1; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được khánh thành mà không sử dụng thêm ngân sách và còn tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt và xử lý các vấn đề liên quan ngân hàng SCB...

Thứ mười, tập trung thúc đẩy các dự án hạ tầng chiến lược, vừa khánh thành các tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Dầu Giây – Phan Thiết và các dự án Phan Thiết–Vĩnh Hảo, Cam Lâm–Nha Trang sẽ hoàn thành trong tháng 5 tới. Khởi công 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2 với chiều dài 729 km và khẩn trương chuẩn bị khởi công các dự án kết nối đông tây, các tuyến vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TPHCM… Đã báo cáo cấp có thẩm quyền và chuẩn bị triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, các báo cáo và ý kiến tại phiên họp đánh giá nhìn chung xu hướng tích cực và một số lĩnh vực cải thiện hơn.

Cụ thể, lạm phát có xu hướng giảm dần qua các tháng, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát ở hầu hết các nước đối tác lớn đều neo ở mức cao và kéo dài. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định, lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm 2 lần liên tiếp, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,41% so với cuối năm 2022; các ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong, dẫn dắt giảm lãi suất. Xuất siêu tiếp tục tăng mạnh, tháng 4 xuất siêu 1,51 tỉ USD, 4 tháng đầu năm xuất siêu 6,35 tỉ USD.

Các đại biểu cho rằng, những kết quả nổi bật của tháng 4 đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước trong 4 tháng. Đánh giá khái quát, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định, đặc biệt là công nghiệp tăng trưởng trở lại sau khi suy giảm trong quý I, ngành Nông nghiệp ổn định và phát triển, khu vực dịch vụ phục hồi tốt.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Công tác đối ngoại và hội nhập được đẩy mạnh, uy tín và vị thế đất nước tiếp tục nâng lên.

Đặc biệt, các tổ chức quốc tế đánh giá tốt về tình hình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan trong thời gian tới. OECD ngày 26/4 nhận định Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh nhờ phản ứng chính sách kịp thời trong kiểm soát dịch bệnh; tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiệu quả cao hơn so với hầu hết các nền kinh tế khác ở Đông Nam Á, tạo điều kiện tiền đề, nền tảng để tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2023 và 6,6% trong năm 2024.

leftcenterrightdel
 Tại phiên họp, Thủ tướng đã nêu rõ 3 nhóm nhiệm vụ lớn. Ảnh:VGP

Những nhóm nhiệm vụ lớn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, tình hình bất ổn bên ngoài tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn.

Với tinh thần chia sẻ, đồng hành, huy động được sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm nhiệm vụ lớn. Trong đó, nhóm nhiệm vụ thứ nhất là tập trung chuẩn bị các đề án, báo cáo trình trung ương, Quốc hội bảo đảm tiến độ và chất lượng theo quy định.

Nhóm nhiệm vụ lớn thứ hai là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa bên trong và bên ngoài. Hiện nay, lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó, ưu tiên hơn cho tăng trưởng từ tháng 4, tháng 5 và những tháng tiếp theo…

Nhóm nhiệm vụ lớn thứ ba, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế; làm tốt công tác quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển.

Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chú trọng phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân.

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, địa phương; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập;  tăng cường công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, phản bác mạnh mẽ hơn nữa với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.

Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Thực hiện nghiêm Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành.

 Đối với các địa phương, chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị dự án, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thực hiện hiệu quả và tích cực hơn các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, thương mại; phòng chống thiên tai, tham nhũng, tiêu cực…

 

Minh Nhật