Đây là thông tin do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay diễn ra ngày hôm nay (13/11).

leftcenterrightdel
Theo Ban Chỉ đạo, thời điểm này phải “siết mạnh hơn, siết chặt hơn” các biện pháp phòng, chống dịch nếu có tư tưởng lơi lỏng, chủ quan thì rất nguy hiểm.                        Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, Việt Nam có 72 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng nhưng nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng chuyến bay đưa công dân Việt Nam, chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế), riêng 2 tuần đầu tháng 11/2020, Việt Nam ghi nhận 76 ca nhiễm nhập cảnh. Đến nay, cả nước đã thực hiện 1.339.465 xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Do đó, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, thời điểm này phải “siết mạnh hơn, siết chặt hơn” các biện pháp phòng, chống dịch nếu có tư tưởng lơi lỏng, chủ quan thì rất nguy hiểm. Tất cả các lực lượng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa bởi sắp tới sẽ là “mùa Đông khốc liệt”, đặc biệt vào thời điểm Tết Nguyên đán.

Đồng thời, nhấn mạnh không thể chắc chắn, đảm bảo không có ca lây nhiễm mới trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật các kịch bản phòng, chống dịch, chuẩn bị tình huống khó khăn hơn trong mùa Đông.

Đối với việc cập nhật thông tin lên “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” (www.antoancovid.vn), Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung làm nhanh hơn nữa. Bộ Y tế phải chỉ đạo trong tuần tới, tất cả các cơ sở y tế, đặc biệt các trạm y tế, phòng khám tư nhân, phải tự kiểm tra việc bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch, không an toàn không được hoạt động…Tất cả các cơ sở y tế phải tuân thủ đầy đủ việc cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 theo thời gian thực.

Đối với Bộ Giáo dục & Đào tạo, phải đốc thúc các địa phương, chỉ đạo tất cả các trường học cập nhật ngay tình hình thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế lên bản đồ chống dịch.

Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh, việc yêu cầu cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch không chỉ bắt buộc các cơ sở thực hiện đầy đủ biện pháp an toàn mà còn có tác dụng lan toả tâm lý không chủ quan, lơ là ra toàn xã hội.

Liên quan đến vấn đề vaccine, hiện Bộ Y tế đang tích cực đàm phán, thương thuyết với các nhà cung cấp vaccine trên thế giới; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên, trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới “không nên trông chờ vào vaccine COVID-19”. Tinh thần chung là không nên trông chờ quá nhiều vào vaccine, phải triển khai các hoạt động phòng, chống dịch như chúng ta đã làm trước đó, phải giữ vững các nguyên tắc, quan điểm; tăng cường ngăn chặn, phòng chống dịch, không được lơ là.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cũng thống nhất sẽ tổ chức diễn tập về phòng, chống dịch ở tất cả các khâu, từ kiểm soát nhập cảnh đến khi cách ly, điều trị, theo dõi, giám sát y tế tại địa phương; cử tiếp các đoàn đi kiểm tra tại cửa khẩu, cảng hàng không quốc tế, cơ sở lưu trú phục vụ cách ly…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 6 giờ ngày 13/11, thế giới ghi nhận gần 52,5 triệu ca mắc COVID-19, gần 1,3 triệu ca tử vong tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng 2 tuần đầu tháng 11/2020, thế giới ghi nhận 6,5 triệu ca nhiễm mới và trên 95 nghìn ca tử vong. Một số quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như: Mỹ với hơn 247 nghìn ca tử vong trong tổng số hơn 10,7 triệu ca nhiễm; Ấn Độ ghi nhận gần 8,7 triệu ca nhiễm, hơn 128 nghìn ca tử vong; Brazil với hơn 5,7 triệu ca nhiễm, hơn 163 nghìn ca tử vong.

 Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 6 giờ ngày 13/11, thế giới đã ghi nhận gần 52,5 triệu ca mắc COVID-19 và có gần 1,3 triệu ca tử vong tại 219 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chỉ riêng 2 tuần đầu tháng 11/2020, thế giới ghi nhận 6,5 triệu ca nhiễm mới và trên 95 nghìn ca tử vong. Một số quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như: Mỹ với hơn 247 nghìn ca tử vong trong tổng số hơn 10,7 triệu ca nhiễm; Ấn Độ ghi nhận gần 8,7 triệu ca nhiễm, hơn 128 nghìn ca tử vong; Brazil với hơn 5,7 triệu ca nhiễm, hơn 163 nghìn ca tử vong.

 

 

Minh Nhật