(BVPL) - Sáng ngày 12/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó bội chi ngân sách được quyết ở mức 5,3% GDP.
 


Theo Nghị quyết, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 là 782.700 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.006.700 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 224.000 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP).

Song song với việc thông qua dự toán ngân sách, Quốc hội cũng giao Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cơ cấu lại thu chi ngân sách và bội chi chủ yếu sử dụng cho đầu tư phát triển và giành một phần để trả nợ.

Đồng thời, Quốc hội đề nghị Chính phủ phải triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công, tinh giảm biên chế gắn với cơ chế khoán chi và chi kinh phí theo hiệu quả công việc. Chính phủ cũng phải cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác, không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật), quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa việc chi chuyển nguồn…

Quốc hội cũng đề nghị tăng cường kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm an toàn nợ công, trả nợ đúng cam kết, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách nhà nước còn nợ.

Nghị quyết cũng nêu rõ, thực hiện thu ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Chính phủ hướng dẫn cơ chế thu, phân bổ và quản lý sử dụng có hiệu quả. Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thu vào ngân sách nhà nước cổ tức của Nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Tiếp tục thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép và thu gọn mục tiêu, giảm chi sự nghiệp, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn hiệu quả; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai qua 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (2011 - 2013)…
 

Ngọc Đức

.