leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh:VGP 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng chưa được như kỳ vọng và mục tiêu đề ra, lạm phát cơ bản quý I tăng 5,01% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động tình hình trong nước. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, một số trung tâm công nghiệp lớn tăng trưởng sụt giảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là tiếp cận vốn. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cần các biện pháp xử lý tích cực hơn. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. An ninh, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ cháy nổ, tội phạm ma túy...

Hội nghị tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2023, tình hình triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội quý II năm 2023 và thời gian tới; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022.

Cũng theo Thủ tướng, trong khó khăn, phức tạp, cần giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, quyết tâm cao hơn, sáng tạo hơn; nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đặc biệt không để lãng phí thời gian, chủ động, kịp thời giải quyết công việc. Lấy nội lực là cơ bản, là chiến lược, lâu dài là quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức, áp lực là động lực phấn đấu vươn lên, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và sinh kế của người dân.

“Trong mọi trường hợp phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội.”- Thủ tướng nói.

Về các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Theo đó, điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, tăng trưởng và lạm phát, cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, giữa tình hình bên trong và bên ngoài.

Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, phát huy vai trò tích cực hơn của các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn pháp lý; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng chiến lược. Nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, không trông chờ, ỷ lại, không để địa phương phải đi lại nhiều mà không được việc.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng nhấn mạnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh:VGP

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý có trọng tâm, trọng điểm; chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan ngân hàng yếu kém; rà soát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở, nhất là gói 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; đề xuất các cấp có thẩm quyền giải pháp cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ…

Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu chi ngân sách, tiết kiệm chi tối đa trong chi thường xuyên; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; báo cáo cấp thẩm quyền vấn đề thuế tối thiểu toàn cần; hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2022-2023 và đề xuất giải pháp.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành việc phân bổ chi tiết các kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023, vốn cho chương trình phục hồi; chủ trì, tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; chuẩn bị thật tốt việc trình Quốc hội ban hành một số nghị quyết liên quan tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.

Bộ Xây dựng thực hiện tốt Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, góp phần giải quyết những khó khăn của thị trường bất động sản. Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải đi từng địa phương, rà soát từng dự án, từng doanh nghiệp, từ việc giải quyết tại các dự án, địa phương cụ thể để nhân rộng.

Bộ Công thương tập trung hoàn thành Quy hoạch điện VIII trong tháng 4; mở rộng thị trường, tiếp tục đàm phán các FTA (vừa đàm phán xong với Israel và tiếp tục đàm phán với UAE). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo đảm nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế; tiếp tụ nâng cao, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tập trung tháo gỡ thẻ vàng IUU của EC.

Bộ Y tế tiếp tục tháo gỡ, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, dứt khoát không để thiếu. Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng và chuẩn bị thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về tự chủ đại học...

Về phía các địa phương, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực. Làm tốt công tác quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân để triển khai các dự án hạ tầng chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân đầu tư công...

Theo báo cáo, GDP quý I tăng 3,32% trong điều kiện có rất nhiều khó khăn; 58/63 địa phương tăng trưởng dương, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng cao. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ. Số dự án FDI đăng ký mới tăng 58,6% so với cùng kỳ với tổng vốn đạt 3,4 tỉ USD (bằng cùng kỳ năm 2022); tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần đạt gần 2,77 tỉ USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ…

Doanh nghiệp thành lập mới tháng 3 tăng cả 3 tiêu chí so với tháng 2: Số doanh nghiệp (60,9%), vốn (122,2%), lao động (81,4%); quý I có 57.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại.

 

 


Minh Nhật