Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra hôm nay (26/9).

leftcenterrightdel
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tái cấu trúc để phù hợp với tình hình mới. Ảnh:VGP 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.

Thủ tướng cũng cho biết, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; các nghị quyết về hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện… 

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo báo cáo khảo sát của VCCI có 91,5% số doanh nghiệp được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; 81% số doanh nghiệp cho biết chính sách tại Nghị quyết 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho biết, các nhiệm vụ, giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã bảo đảm hiệu quả.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng được hỗ trợ.

Ngoài ra, tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.


Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị định như:  Nghị định 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; Nghị định số 54/2021/NĐ-CP về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

“Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…”- Người đứng đầu Chính phủ cho hay.

Thủ tướng cũng đánh giá rất cao sự chia sẻ và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để công tác phòng chống dịch đạt kết quả trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, hầu như tất cả các trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế, vắc xin và thuốc điều trị… phục vụ chống dịch đều phải nhập khẩu. “Thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp căn cơ, chiến lược hơn, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường, nâng cao năng lực ngành Y tế và phát triển ngành Công nghiệp dược.”- ông nói.

Trước nhiều ý kiến tại hội nghị đề cập vấn đề cải cách và hoàn thiện thể chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược đang được Chính phủ, các bộ, ngành hết sức quan tâm. Quan điểm rất rõ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ: Người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm. Mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng chính sách và thực hiện các chính sách đó.

 
leftcenterrightdel
Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp của doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch. Ảnh:VGP 

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân hơn, gần doanh nghiệp hơn và doanh nghiệp, doanh nhân, người dân đến với chính quyền gần hơn. Chính phủ và các bộ ngành cũng đang tích cực cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đóng góp các ý tưởng, công nghệ và cả các sản phẩm cụ thể phục vụ công tác này.

Về các chính sách với công nhân, Thủ tướng cho biết, dịch bệnh đã làm bộc lộ một số vấn đề như nhà ở cho công nhân, chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân... Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan dứt khoát phải quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân, thực hiện đồng bộ khi quy hoạch, triển khai các dự án.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục cùng chia sẻ trong điều kiện đất nước còn khó khăn, phải phát huy tinh thần đại đoàn kết, chung sức, chung lòng để vượt qua khó khăn, thách thức.

“Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; góp ý về đột phá thể chế, chính sách, pháp luật; đầu tư tăng năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp, chuyển đổi số; tăng cường hợp tác công tư, nhất là xây dựng hạ tầng chiến lược; góp ý thẳng thắn để cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính…”- Thủ tướng phát biểu. 

Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp tái cấu trúc để phù hợp với tình hình mới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ và Quốc hội cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực sự, trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” khi giải quyết các kiến nghị, khó khăn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động xử lý các kiến nghị, đề xuất tại hội nghị theo các quy định của pháp luật và chủ trương, đường lối của Đảng, linh hoạt, phù hợp tình hình cụ thể, không cứng nhắc, không cực đoan.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian có hạn, công việc nhiều, nội dung khó, yêu cầu đòi hỏi cao nên trong một hội nghị không thể giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra, quan trọng nhất là các bên cầu thị, khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhau, phát hiện các vướng mắc để tiếp tục chung tay tháo gỡ trong thời gian tới.

Minh Nhật