Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này tại Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy diễn ra sáng nay (12/9).

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh:VGP

Thủ tướng cho biết, thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh…và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh karaoke. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/8/2022 làm 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9/2022; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9/2022 làm nhiều người chết, tối 11/9 xảy ra vụ cháy tại Đồng Nai…

Đồng thời, một lần nữa, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn.

Theo số liệu của Bộ Công an, về tình hình cháy, 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 nghìn tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng.

Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỉ đồng.

Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị chiếm khoảng trên 60%. Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.

Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã yêu cầu: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép, kiểm tra và các cá nhân liên quan, bảo đảm tính khách quan. Đồng thời, tổ chức hội nghị để kiểm điểm, đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.

Phòng cháy, chữa cháy và công tác cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Song, hiện nhận thức, hành vi, thói quen về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của mọi người còn có những lúc, những nơi hạn chế; kỹ năng xử lý, ứng phó khi có sự cố là chưa cao; việc thực thi quy định pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, bất cập…

Do vậy, Thủ tướng yêu cầu, sau hội nghị này, cần có sự chuyển biến thực chất trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, đề nghị các đại biểu với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan), rút ra những bài học kinh nghiệm, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật; khâu tổ chức thực hiện và công tác quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm; tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn (nhất là về con người, công nghệ, trang thiết bị…) và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và kiểm điểm kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83 quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Thiếu tướng cũng cho biết về các nguyên nhân, thiếu sót trong thực hiện công tác PCCC. Theo đó, mặc dù lãnh đạo các cấp đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ nhưng số vụ cháy vẫn xảy ra nhiều, một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người.

Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 630 và Quyết định số 1492 của Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ (CNCH) còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ.

Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về CNCH chưa thường xuyên, liên tục; chưa trang bị được nền tảng kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy, nổ, sự cố, tai nạn cho mọi người dân từ khi mới phát sinh.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC, CNCH do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ trì còn ít nên nhiều tồn tại, thiếu sót mang tính cốt lõi chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Vai trò, trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Mặt trận Tổ quốc ở địa phương còn những hạn chế nhất định, ít tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về công tác PCCC, CNCH.

Công tác xây dựng và phát triển lực lượng phòng cháy tại chỗ còn nhiều bất cập. Việc xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng chưa đảm bảo yêu cầu thực tế; trang thiết bị, phương tiện PCCC, CNCH còn thiếu; hoạt động mang tính hình thức.

Công tác đầu tư, trang bị phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác PCCC, CNCH còn thiếu nhiều so với yêu cầu, nhiệm vụ, nhiều địa phương ven biển chưa có tàu thủy chữa cháy. Việc đầu tư ngân sách hoạt động PCCC, CNCH mới chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, nhiều địa phương ngân sách đầu tư cho hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu…

 

Minh Nhật