Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu yêu cầu này tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức diễn ra hôm nay (14/1).

leftcenterrightdel
 Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm. Ảnh:VGP

Cũng theo Thủ tướng, nhiệm vụ của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trong năm 2023 là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, tận tâm, tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và bám sát thực tế; với tinh thần tiếp tục làm tốt và lan tỏa tinh thần nhân ái, đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội; quản lý phát triển xã hội bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả đường lối Đại hội XIII của Đảng; Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và 10 năm; các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; có phản ứng chính sách kịp thời.

Cùng với đó, phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với các chính sách về lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026: "Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân".

“Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công", huy động mọi nguồn lực chung tay chăm lo đời sống của người có công; tăng cường vận động, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ.”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó,  phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; gắn kết cung-cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phát huy vai trò quản lý của Nhà nước và của các hiệp hội, hội đoàn nghề nghiệp trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Theo Thủ tướng, trước mắt, ngành cần tập trung triển khai tốt Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại chỗ.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng. Ảnh:VGP

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, phải xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số. Có giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất lao động; đặc biệt, tăng cường kỹ năng số cho người lao động. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng mở, linh hoạt, theo tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong đào tạo nghề.

Đồng thời, xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng trước các rủi ro trong cuộc sống. Bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ, phù hợp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục; tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội khác cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người lao động.

Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và các ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt về việc xác nhận, công nhận người có công; tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam; chất lượng, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý…

Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối, liên thông dữ liệu; tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ tin tưởng, năm 2023, Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn; thực hiện tốt mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

 

Minh Nhật