Trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Australia Tony Abbott, Thủ tướng Abbott nói: “Hai nước đều phát triển thịnh vượng trong hòa bình suốt 40 năm qua nhờ vào sự ổn định trong khu vực.

 


Tại cuộc hội kiến với Toàn quyền Australia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện với Australia, đồng thời hoan nghênh chính sách của Australia tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2009. Quan hệ hai nước trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa giáo dục đều đang tiến triển hiệu quả.

Toàn quyền Australia Peter Cosgrove đánh giá cao triển vọng tốt đẹp của mối quan hệ Việt Nam - Australia, cho rằng chuyến thăm chính thức Australia lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra đúng thời điểm và tin tưởng rằng kết quả sẽ góp phần tạo xung lực mới đưa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Toàn quyền Peter Cosgrove bày tỏ cá nhân từng là cựu chiến binh Việt Nam và đã đi du lịch Việt Nam hai lần, ông có ấn tượng sâu sắc về những thành tựu, những đổi thay tích cực, lòng hiếu khách của con người Việt Nam. Ông cho rằng những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là về kinh tế - thương mại, và những điểm tương đồng về các vấn đề an ninh - chính trị ở khu vực cho thấy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Australia ngày càng tin cậy, đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển lời của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang mời Toàn quyền Australia thăm chính thức Việt Nam. Toàn quyền Peter Cosgrove đã gửi lời cảm ơn Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và vui vẻ nhận lời mời.

Trong cuộc hội kiến với Thống đốc bang New South Wales, Thủ tướng cho rằng bang New South Wales có nhiều lợi thế về thương mại và có nhiều cơ hội để hợp tác với các địa phương ở Việt Nam, nhất là hai bên có đường bay thẳng giữa thành phố Sydney và TP.HCM. Nhằm phát huy đầy đủ những lợi thế này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị chính quyền bang New South Wales tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu cơ hội đầu tư và hỗ trợ hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường.

Thống đốc David Hurley cũng khẳng định luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bang New South Wales và Việt Nam hợp tác kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên.

Trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Australia Tony Abbott, Thủ tướng Abbott nói: “Hai nước đều phát triển thịnh vượng trong hòa bình suốt 40 năm qua nhờ vào sự ổn định trong khu vực. Chúng tôi sẽ phối hợp hành động để đảm bảo không có điều gì ảnh hưởng đến sự ổn định có thể xảy ra”. Đồng thời, Thủ tướng Australia cũng cho biết thêm, Việt Nam và Australia cùng ủng hộ tự do trên biển và trên không ở Biển Đông.

Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và đến năm 2009, hai bên đã nhất trí nâng tầm quan hệ lên Đối tác toàn diện. Thời gian qua, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Australia phát triển tốt đẹp, hai nước tiến hành nhiều cuộc trao đổi và tiếp xúc cấp cao. Việt Nam là bạn hàng thứ 15 của Australia và Australia là bạn hàng thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại 2 chiều tăng trưởng khá cao với mức trên 10% trong suốt 10 năm qua, từ mức 32,3 triệu USD năm 1990 lên 5,1 tỷ USD năm 2013 và đạt xấp xỉ 6 tỷ USD năm 2014. Australia hiện có 320 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 1,65 tỷ USD, đứng thứ 19/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư trực tiếp vào Australia với tổng giá trị gần 140 triệu USD, nổi bật là các dự án về công nghiệp chế biến, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Australia duy trì đều đặn viện trợ ODA cho Việt Nam, đạt trung bình trên 130 triệu AUD/năm.

Ngoài ra, hai bên đã hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lao động, nông nghiệp, du lịch, giao lưu nhân dân… giữa hai nước thời gian qua cũng đạt được những kết quả tích cực.


Theo Người Tiêu Dùng

.