Đây là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thanh tra vào chiều nay (12/1).

leftcenterrightdel
Thủ tướng nhấn mạnh, không thanh tra chồng chéo để tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh,  không thanh tra chồng chéo để tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh. Lựa chọn thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế, tồn tại, cần sớm khắc phục. Đó là một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, nhiều cuộc triển khai chậm so với kế hoạch. Kết quả đôn đốc, xử lý về thanh tra của các bộ, ngành, địa phương còn thấp. Một số vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Việc tiếp công dân định kỳ của Thủ trưởng các cấp, các ngành chưa thường xuyên.

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Hiện nay, tình trạng này mới được ngăn chặn một bước.

TTCP đã xử lý 37 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Chuyển đổi vị trí công tác 8.733 cán bộ, công chức, viên chức. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và qua tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 65 vụ, 79 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 894 tỉ đồng, trên 107 ha đất; trả lại quyền lợi cho 993 người, kiến nghị xử lý hành chính 503 người, chuyển cơ quan điều tra lý 3 vụ, 3 đối tượng. Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020 giảm so với năm 2019.

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ thời gian tới. Cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, TTCP và ngành Thanh tra cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng kế hoạch thanh tra sát, đúng, phục vụ tốt nhất nhiệm vụ chính trị ở địa phương, trong đó có việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm (2021-2025).

“Lựa chọn thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Không thanh tra chồng chéo để tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.”- Thủ tướng nói.

Đồng thời, TTCP thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân phục vụ Đại hội XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, không để phát sinh “điểm nóng”.

Tiếp tục triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, nhất là những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Theo báo cáo của TTCP, năm 2020, toàn ngành đã triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỉ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 23.843 tỉ đồng và 830 ha đất; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.164 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 97 vụ, 99 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực. Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 3.956 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 55 đơn vị có vi phạm; tiến hành 2.421 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 374 vụ việc với 482 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 74 tỉ đồng.


Minh Nhật