Tiếp tục phiên họp thứ 9, chiều 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và cho ý kiến về việc thành lập thành phố Bà Rịa trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 
Thêm chính sách ưu đãi mới với người có công
 
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết về hiệu lực thi hành, để thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực thi hành của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung dự kiến là ngày 1/9/2012. Tuy nhiên, đây là thời điểm gần cuối năm, ngân sách nhà nước đã phân bổ xong nên để đảm bảo tính khả thi của các chế độ, chính sách mới, dự thảo Pháp lệnh được chỉnh lý theo hướng quy định rõ thời điểm có hiệu lực thi hành đối với chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được thực hiện từ ngày 1/9/2012; các chế độ, chính sách còn lại sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
 
Về điều khoản chuyển tiếp để thực hiện chế độ ưu đãi với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất hóa học được công nhận trước ngày 1/9/2012 cũng là vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận. Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đề xuất 2 phương án để lựa chọn. Phương án 1 (quy định rõ việc chuyển đổi mức trợ cấp trong Pháp lệnh): “Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận trước ngày 01 tháng 9 năm 2012, hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tiếp tục hưởng chế độ hiện hưởng. Người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% thì tiếp tục hưởng chế độ cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2012 và được chuyển sang hưởng trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Trường hợp người đã được chuyển sang hưởng trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% mà có yêu cầu thì có thể được giám định lại và được hưởng trợ cấp tương ứng với mức độ suy giảm khả năng lao động theo kết quả giám định”.
 
Phương án 2 (giao Chính phủ quy định): “Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận trước ngày 01 tháng 9 năm 2012 được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định của Chính phủ.”
 
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thiên về phương án 2 vì cho rằng, như vậy sẽ bảo đảm được sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, có thể kịp thời điều chỉnh chính sách nếu quá trình thực hiện có vướng mắc.
 
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền và Trung tướng Đào Duy Minh - Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị đều thống nhất chọn phương án 1 vì cho rằng, phương án này bảo đảm sự liên tục trong chính sách, về cơ bản không phải thực hiện việc giám định lại tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cho số người đang hưởng trợ cấp hàng tháng; đồng thời đảm bảo sự công bằng hơn giữa các đối tượng. Phương án này cũng được đa số thành viên UBTVQH đồng tình lựa chọn.
 
Tại phiên họp, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu để có chế độ ưu đãi thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Bà Trương Thị Mai cho rằng, trong điều kiện hiện nay cần tập trung chính sách ưu đãi đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của họ. Đối với thế hệ thứ ba bị ảnh hưởng thì tùy theo mức độ khuyết tật sẽ được hưởng chế độ trợ cấp xã hội theo quy định của Luật Người khuyết tật. Do đó, bà Mai đề nghị không đưa nội dung này vào dự thảo Pháp lệnh.
 
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải thích thêm, hiện nay điều kiện của ta mới chỉ xác định được thế hệ thứ 2 có phải là nhiễm chất độc da cam từ cha không, việc xác định thế hệ thứ 3 còn rất nhiều vấn đề, bởi không phải thế hệ thứ 3 nào cũng có biểu hiện bệnh lý, dù trong gia đình có ông và bố (hoặc mẹ) bị nhiễm chất độc da cam.
 
Cuối nội dung thảo luận này, các thành viên UBTVQH đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh sửa đổi này sẽ có thêm chính sách ưu đãi mới như: Thanh niên xung phong, người bị địch bắt tù đày sẽ có trợ cấp hàng tháng… “Điều này rất có ý nghĩa vì chỉ còn 10 ngày nữa chúng ta sẽ kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2012)” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
 
Tán thành chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
 
Cũng trong phiên họp chiều nay, UBTVQH cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc xin chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
 
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung và thị xã Bà Rịa nói riêng, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập thành phố Bà Rịa trực thuộc tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu trên cơ sở giữ nguyên diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính của thị xã Bà Rịa (11 đơn vị hành chính, gồm 08 phường: Phước Hưng, Phước Trung, Phước Hiệp, Phước Nguyên, Long Hương, Long Toàn, Kim Dinh, Long Tâm và 03 xã: Hòa Long, Long Phước, Tân Hưng).
 
Đại diện cơ quan thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, theo quy định tại Điều 16 của Luật Tổ chức Chính phủ thì việc quyết định thành lập thành phố thuộc tỉnh là nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Theo ông, việc Chính phủ có Tờ trình xin ý kiến UBTVQH về chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện thái độ thận trọng, nghiêm túc của Chính phủ trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nhất là trong điều kiện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang được UBTVQH lựa chọn thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
 
Theo Ủy ban này, khi thị xã Bà Rịa được nâng cấp lên thành phố thì vẫn giữ nguyên 8 phường và 3 xã, vì vậy không thuộc phạm vi yêu cầu không được điều chỉnh địa giới hành chính của Nghị quyết số 724/2009/NQ-UBTVQH12; đồng thời không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở các phường của thị xã Bà Rịa sau khi có quyết định thành lập thành phố Bà Rịa. Do đó, Ủy ban này tán thành với chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
Đồng ý với chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ, nếu nâng cấp thị xã Bà Rịa lên thành phố thì có tiếp tục thực hiện thí điểm việc không tổ chức hội đồng nhân dân ở các phường của thị xã Bà Rịa không? Chủ tịch QH cũng đề nghị, khi thị xã Bà Rịa được nâng cấp lên thành phố Bà Rịa trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần nghiên cứu khắc phục những nhược điểm trong quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
 
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, UBTVQH nhất trí với chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo Tờ trình của Chính phủ./.
 
 
 
                                                                 Theo Báo ĐCSVN
.