(BVPL) - Chiều nay (24/11) tại kỳ họp thứ 8 QH khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật tổ chức Viện KSND (sửa đổi) với tỷ lệ hơn 83% tổng số ĐBQH tán thành và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết thi hành Luật này.
 
 
Trước đó, QH cũng đã biểu quyết thông qua điều 3 và điều 4 của Luật này. Theo đó, Viện KSND gồm 4 cấp: Viện KSND cấp huyện, Viện KSND cấp tỉnh, Viện KSND cấp cao, Viện KSND tối cao.
 
Viện KSND các cấp tiếp tục thực hiện chức năng thực hành quyền công tố. Đây là hoạt động của Viện KSND trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Nhằm đảm bảo mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội. Nhưng không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.
 
Viện KSND các cấp có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Đây là hoạt động để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trong việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
 
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
 
Ngọc Đức