Vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
 


Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết: Tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được ban hành theo Quyết định 77/2007/QĐ-TTg ngày 28-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, công tác này đã đạt những kết quả tích cực. Cơ chế phát ngôn và thông tin cho báo chí được thực hiện ngày một tốt hơn, giúp cho các cơ quan báo chí nhanh chóng tiếp cận được thông tin chính thống đúng và chính xác. Tuy nhiên, thực tế phát triển báo chí trong thời gian qua đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong thông tin, đòi hỏi phải có những đổi mới để đáp ứng.

Cục trưởng Cục Báo chí- Bộ Thông tin và Truyền thông, Hoàng Hữu Lượng giới thiệu các nội dung về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;  một số điểm mới trong quy chế. Theo quy chế mới, 3 người có thể phát ngôn, gồm: Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (gọi là người phát ngôn); trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn (gọi chung là người được ủy quyền phát ngôn). Đồng thời hướng dẫn về quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc phát ngôn, cung cấp thông tin; việc từ chối không phát ngôn, cung cấp thông tin; trách nhiệm của các cơ quan báo chí, nhà báo và việc xử lý vi phạm với người phát ngôn, người cung cấp thông tin sai cho báo chí.

Về cung cấp thông tin của cá nhân khác không phải là người phát ngôn thuộc cơ quan hành chính Nhà nước thì: “Các cá nhân của cơ quan hành chính Nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính Nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật; trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp”.
 

Tin và ảnh: Việt Hà