Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ hội đặc biệt. Ngay tên gọi của nó cũng đã khác với những lễ hội thường thấy ở các vùng ven biển miền Trung. Tên của lễ hội, thoạt nghe, không phải ai cũng cảm nhận được mà phải “nhập cuộc” với với không khí của lễ thì mới hiểu được ngọn nguồn.
Lần giở những trang lịch sử, cách đây hơn 400 năm, những gì ngư dân vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi mang về sau những cuộc thám hiểm ra “dải cát vàng” này đã giúp cho các vị vua sớm nhận ra giá trị kinh tế lẫn chiến lược quân sự ở quần đảo Hoàng Sa.
Các triều đại phong kiến nhà Nguyễn lựa chọn Hoàng Sa là nơi trọng điểm trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia. Vì vậy, vừa mở mang bờ cõi về phương Nam, cha ông ta cũng vừa cho người ra Hoàng Sa dựng bia, cắm mốc chủ quyền.
Hằng năm, cứ đến mùa biển lặng vào khoảng tháng hai, tháng ba Âm lịch, nhận lệnh của triều đình, một đội binh phu gồm 70 người là những tay chèo cự phách, từng trải sóng gió được thành lập để lên đường ra Hoàng Sa.
|
|
Các bô lão đọc văn sớ tại Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. |
Họ đi với tư tưởng có thể “một đi không trở lại”, hàng trăm ngôi mộ gió tồn tại mấy trăm năm qua tại Lý Sơn đã chứng minh cho điều đó.
Để động viên những binh phu trước khi lên đường, người dân Lý Sơn tổ chức một buổi lễ, gọi là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Lễ nhằm khao quân, tế sống và cả làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ triều đình giao phó. Mặt khác, còn để tế lễ và tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa đã khuất.
Ngay từ sáng sớm, lễ rước vong linh các hùng binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được cử hành từ nơi thờ phụng là Âm Linh Tự về Đình làng An Vĩnh. Đình làng này là nơi cách đây hàng trăm năm, trước khi lên đường đi Hoàng Sa, Trường Sa, những người trong đội lính lại tập trung về đây để tế tự.
Buổi lễ đã tái hiện, khắc họa sinh động lại Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm xưa, người dân đã chuẩn bị sẵn 3 ban thờ đặt đồ tế như thịt heo, gà, muối, bánh khô…. Trước các ban thờ là 5 mô hình thuyền câu (loại thuyền đội Hoàng Sa dùng đi biển năm xưa) trong khoang lái có hình nhân làm bằng giấy điều hoặc bằng rơm. Trên thuyền có đặt linh vị của người lính Hoàng Sa, cùng các vật lễ mà mỗi người lính trước khi ra Hoàng Sa phải mang theo gồm thịt gà, xôi chè, một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây sẽ là vật dùng để bó xác lại khi gục ngã…
Nếu không may hy sinh, thi thể người lính nếu không may xấu số sẽ được đồng đội thả xuống biển cả mênh mông. Chiếc thẻ bài bằng tre có ghi tên tuổi, làng quê, phiên hiệu được cài trong bó xác sẽ là là dấu hiệu để đồng đội và thân nhân nhận ra họ trước khi thi thể chưa kịp làm mồi cho cá dữ....
Sau phần tế lễ, tiếng ốc u nổi lên hiệu lệnh cho những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển Hoàng Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ gần 400 năm trước để thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của người dân Lý Sơn nói riêng và người dân cả nước nói chung.
|
|
Tiếng ốc u được thổi lên để tưởng nhớ những lính Hoàng Sa. |
Nhìn những chiếc thuyền nhỏ được phục dựng và chở theo hình nhân được thả xuống biển, hòa cùng với từng đợt sóng, hướng về phía Hoàng Sa mà thẳng tiến, người dân trên đảo lại không khỏi bùi ngùi, xúc động...
Ông Nguyễn Bông, Trưởng Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh cho biết, 70 người trong đội Hoàng Sa vốn chủ yếu là người An Vĩnh trong đất liền và sau là người phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn). Các xã đều có người đi Hoàng Sa, chia đều cho các họ, tộc, không phân biệt Tiền Hiền hay Hậu Hiền, theo nguyên tắc luân phiên. Hàng trăm lượt người ra đi nhưng không mấy ai còn được trở về.
“Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm mang ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội. Hình ảnh những người lính Hoàng Sa năm xưa lại được tái hiện trở về với người dân Lý Sơn và dân tộc Việt. Nghi lễ không chỉ nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam như ông cha đã từng làm từ hàng trăm năm trước”.
|
|
Tiễn đưa mô hình thuyền tượng trưng ra bờ biển. |
|
|
5 chiếc thuyền mô hình nối nhau hướng ra Hoàng Sa. |
“Tôi đến Lý Sơn đi chơi, nghe người dân ở đây mách 16/3 âm lịch diễn ra Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Được nghe nhiều những câu chuyện về những người lính trong đội cắm mốc Hoàng Sa, nhưng đây lần đầu tiên tôi được tham dự nghi lễ. Thiêng liêng mà xúc động!.
Lễ hội này không những có giá trị về lịch sử và văn hóa - tín ngưỡng mà còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc đối với các thế hệ người Việt Nam, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và ý thức trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”, anh Nguyễn Hùng, khách du lịch Hà Nội chia sẻ.
|
|
Người dân và khách du lịch tham dự lễ tri ân công lao của những người hùng binh Hoàng Sa. |
"Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Mãi đến hôm nay, qua hàng trăm năm, những câu ca về tinh thần quả cảm của những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa vẫn in sâu trong những người dân Lý Sơn. Là lời nhắc nhở những người con của đất đảo Lý Sơn dù ở đâu, đi đâu cũng tụ họp về để hiểu hơn về lễ hội truyền thống của quê hương, về để cùng nhau ngồi lại, tưởng nhớ đến công lao to lớn của cha ông trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của người dân đảo Lý Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận là di sản phi vật thể quốc gia vào năm 2013 và được duy trì tổ chức vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm.