(BVPL) - Đó là ý kiến băn khoăn của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân tại hội trường .

 


Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Đoàn Bình Định) có ý kiến: theo cơ quan soạn thảo, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi nhằm đảm bảo quyền giao dịch của công dân. Theo quy định của Hiến pháp và để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với nhóm đối tượng này, để đảm bảo tính khả thi và thống nhất của dự thảo luật, cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm, nhất là về mục đích quản lý nhà nước đối với những người dưới 15 tuổi thì báo cáo đánh giá tác động chưa làm rõ được vai trò, ý nghĩa của các thông tin. Thẻ căn cước công dân của người dưới 15 tuổi đóng góp như thế nào cho công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an ninh, xã hội hay trong hoạch định chính sách? Có cần thiết phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn, đồng thời làm xáo trộn hồ sơ giấy tờ về căn cước công dân trong lúc việc quản lý nhóm đối tượng này thông qua các cơ quan, đoàn thể và trường học rất hiệu quả?  

Thứ hai, mục đích chủ yếu của quy định này là nhằm đảm bảo quyền giao dịch của công dân theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, đối với những người dưới 15 tuổi thì Bộ luật Dân sự quy định: Trong mọi trường hợp, kể cả xuất trình thẻ căn cước công dân thì những giao dịch dân sự của người dưới 15 tuổi hoặc phải có người đại diện theo pháp luật thực hiện hoặc phải được sự đồng ý của họ. Như vậy, nếu so sánh chi phí phải bỏ ra là 648 tỷ đồng và lợi ích của chính sách này mang lại thì cần phải được tính toán kỹ hơn.

Chung quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, cơ sở dữ liệu căn cước công dân được xác định là một bộ phận dữ liệu chuyên ngành của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nó được xác lập từ 2 nguồn, từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và từ công dân trực tiếp khi đến khai báo làm thẻ căn cước công dân. Xác định như vậy theo tôi chưa ổn, công tác chuẩn bị chưa thật sẵn sàng, cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có nghĩa là lấy cái có trước, cái có sẵn cập nhật khi công dân đến làm thẻ căn cước công dân, như vậy có thể sẽ có những thông tin sai lệch, không thống nhất với nhau giữa 2 nguồn cung cấp thông tin. Vậy thì đâu được xác định là nguồn chính xác để làm căn cước, giải quyết mâu thuẫn này ra sao? Đề nghị cần phải được làm rõ, giải pháp tốt nhất, theo tôi cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng để hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi ban hành luật này”.

Cũng theo ĐB Niễn: “Có hợp lý hay không khi chúng ta bỏ ra một số tiền không hề nhỏ làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, chiếm 24% dân số để cất giữ, không có quan hệ giao dịch gì phổ biến. Mặt khác, chúng ta đã có chương trình kế hoạch, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách quản lý về công dân và phân phối dân cư, nếu có bất cập hoặc chưa làm tốt thì chúng ta chấn chỉnh để thực hiện được tốt hơn, để không nhất thiết vì lý do này mà đề nghị phương án này.  Tôi đề nghị nên xem xét lại việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 18 tuổi ngay khi mới sinh, chỉ cấp thẻ căn cước công dân cho người đủ 14 tuổi trở lên như quy định hiện hành”.

Còn đại biểu Đặng Thị Kim Liên (Đoàn Yên Bái) nhận xét với trẻ dưới 14 tuổi, đặc điểm nhận dạng chưa ổn định, chưa phải chịu trách nhiệm về hình sự và trong các giao dịch dân sự cũng cần có cha mẹ hay người dám hộ đại diện. Trong khi đó tại Điều 3 dự thảo luật quy định thẻ căn cước công dân là một thẻ định dạng thêm cho công dân. Mà định dạng riêng phân biệt người này với người khác, cần căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng quy định dạng bên ngoài, đó là hình ảnh và vân tay. Như vậy chưa tạo sự thống nhất trong dự thảo Luật.

Việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ từ khi sinh ra là thêm thủ tục cho công dân, tạo sự phiền hà cho công dân. Trẻ sinh ra đã được đăng ký khai sinh, đây là quyền của trẻ em được quy định trong Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; Bộ luật dân sự và cũng được ghi nhận trong Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

 Đại biểu Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cũng không đồng tình với việc thay đổi tên gọi chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân. Đại biểu này cho rằng: việc Quốc hội bấm nút đồng tình để thông qua thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy kéo theo rất phức tạp. Ví dụ, tất cả các bộ, ban, ngành sẽ phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ chúng ta đã in sẵn để thay từ chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân thì rất tốn kém. Chưa nói đến là các văn bản giấy tờ rồi đây trong lưu trữ lẫn lộn, trùng lắp, có hồ sơ thì chứng minh nhân dân, có hồ sơ thì căn cước nhân dân, rất phức tạp cho hồ sơ lý lịch trong quá trình quản lý.

“Một điểm nữa là có thẻ thì phải giữ thẻ, 15 năm thẻ này gần như phải cất, nếu mất thì phải đi làm lại thì rất phiền hà. Việc làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi sẽ tăng thêm biên chế, tăng thêm kỹ thuật về công nghệ, về phương tiện phục vụ, trong khi đó Công an hiện nay có rất nhiều việc phải làm. Nó cũng không phù hợp với yêu cầu tinh giảm biên chế hiện nay. Đặc biệt giá của thẻ căn cước này sẽ đắt hơn giấy khai sinh rất nhiều, trong lúc mình cũng chưa nhất thiết sử dụng thẻ căn cước này thành giấy tờ tùy thân cho đối tượng các em dưới 15 tuổi, không cần giấy tờ tùy thân vì trẻ phải đi theo bố mẹ, lệ thuộc bố mẹ... Điều khẳng định cuối cùng là thẻ căn cước này không thể thay giấy khai sinh. Giấy khai sinh là mọi người sinh ra đều có quyền còn thẻ căn cước chỉ cấp cho công dân” – đại biểu Ngọc Phương nhấn mạnh.
 

Ngọc Đức

.