Thanh tra Chính phủ vạch sai sót của Bộ Công thương trong tạm nhập, tái xuất
Cập nhật lúc 23:18, Thứ ba, 27/09/2016 (GMT+7)
Ngày 26/9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu của Bộ Công thương từ năm 2010 đến năm 2013. (Thanh tra Chính phủ, vạch sai sót, quản lý, Bộ Công thương)
Ngày 26/9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu của Bộ Công thương từ năm 2010 đến năm 2013.
|
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều thiếu sót của Bộ Công thương tỏng quản lý hoạt động tạm nhập, tái xuất |
Theo kết luận do Phó tổng TTCP Ngô Văn Khánh ký cho rằng, Bộ Công thương đã ban hành các thông tư (Số 05/2013 và số 05/2014) quy định công tác báo cáo chưa chặt chẽ, chưa phân định rõ vai trò, trách nhiệm đơn vị chủ trì quản lý, cơ chế phối hợp với đơn vị tham gia quản lý về tạm nhập tái xuất.
“Chưa phù hợp với thực tế và chưa đủ cơ sở khoa học để xây dựng mức ký quỹ, chưa sát thực tế quy định về điều kiện kho bãi trong cấp phép, chưa quy định cụ thể, đầy đủ biểu thời gian và chế tài trong yêu cầu báo cáo đối với các cơ quan hành chính nhà nước có liên quan” – kết luận nêu.
Ngoài ra Bộ công thương còn bị cho là thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát kết quả báo cáo tạm nhập, tái xuất theo quy định, chưa kiên quyết trong kiểm tra, xử lý việc địa phương ban hành văn bản không đúng với quy định tại thông tư do Bộ ban hành.
Cũng theo kết luận, Bộ Công thương chưa kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng mạnh chế tài xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động tạm nhập tái xuất nói chung và việc thu hồi mã số kinh doanh nói riêng theo các mức độ, hình thức vi phạm phù hợp.
TTCP cho rằng các tồn tại trên đã cho thấy Bộ Công thương chưa thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo yêu cầu của Chính phủ, qua đó làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến mục tiêu “khắc phục những hạn chế của hoạt động tạm nhập, tái xuất” do chính Bộ này báo cáo Chính phủ vào năm 2013.
Về trách nhiệm của UBND các tỉnh, TP có hoạt động nói trên, TTCP cho rằng những nơi này chưa chủ động thực hiện báo cáo kết quả quản lý nhà nước về tạm nhập tái xuất cho Bộ, trong đó nhấn mạnh đến việc tỉnh Quảng Ninh lựa chọn doanh nghiệp thực hiện tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan nhưng chưa đúng hướng dẫn của Bộ Công thương.
Về hướng xử lý thời gian tới, TTCP cho biết Bộ Công thương cần phối hợp với các bộ ngành đánh giá lại hoạt động tạm nhập tái xuất và rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành còn tồn tại, bất cập, chưa sát thực tế về hoạt động tạm nhập tái xuất.
“Chú trọng tập trung vào các nội dung như: Phân cấp đi cùng với phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan thực hiện (các địa phương) và cơ quan chủ trì, quản lý (Bộ Công thương), đồng thời đảm bảo kiểm soát chặt chẽ để giảm nguy cơ gian lận thương mại, bảo vệ hành hóa trong nước và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để buôn lậu, trốn thuế.
“Quy định chặt chẽ hoạt động phối hợp, giám sát hàng hóa thực xuất tại các cửa khẩu đối với cơ quan quản lý có thẩm quyền (…) quy định rõ cơ chế báo cáo, phối hợp và trách nhiệm cung cấp thông tin giữa các doanh nghiệp với đơn vị quản lý nhà nước” – kết luận nhấn mạnh.
Kết luận còn đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ sửa đối, bổ sung các quy định về xử phạt hành chính theo hướng tăng nặng mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tạm nhập, tái xuất như: Tự ý tiêu thụ nội địa mặt hàng này, tái xuất không đúng quy định, khai báo không đúng tên hàng… với mục đích đảm bảo ngăn ngừa, răn đe, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại.
Đối với các bộ, ngành, địa phương TTCP yêu cầu phối hợp tích cực hơn nữa để đảm bảo giám sát chặt chẽ loại hàng hóa này để chống thất thu thuế, thẩm lậu hàng hóa. Trong khi đó các tỉnh biên giới phải quản lý chặt chẽ lối mòn, ngăn chặn tình trạng hàng đi không đúng tuyến.
Theo Infonet
.