leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, chỉ đạo tại buổi làm việc với TP.HCM. (Ảnh: LĐO) 

Chiều ngày 12/4, làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, 85% diện tích của TP.HCM đã đô thị hóa, muốn có thêm động lực phát triển thì cần phải có hệ thống đường vành đai, cao tốc, vệ tinh.

Trong quy hoạch, TP.HCM có 4 đường vành đai, đến nay chỉ có đường vành đai 2 đã được thi công nhưng chưa khép kín được. Các đường vành đai 3, 4 cực kỳ quan trọng nhưng chưa thể triển khai.

Ngoài ra, 6 cao tốc kết nối với các tỉnh nhưng mới có 2 tuyến TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành. Cả hai tuyến này đều đang quá tải. Riêng cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT gấp rút triển khai, dự kiến cuối năm 2020, hoặc đầu năm 2021 sẽ khép kín tuyến đường này. Ba tuyến còn lại là TP.HCM - Tây Ninh, TP.HCM - Chơn Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu.

leftcenterrightdel
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng TP đóng góp ngân sách nhiều nhưng được giữ lại ít nên không đủ đầu tư cho hạ tầng. (Ảnh: LĐO) 

Theo Bộ trưởng GTVT, nếu không sớm hình thành các tuyến đường vành đai này thì chắc chắn giao thông ở TP.HCM sẽ vô cùng hỗn độn, bởi không có đường vành đai thì xe cộ phải chạy xuyên tâm.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, tổng thu ngân sách của TP.HCM lớn nhất nước nhưng được giữ lại quá ít, không đủ để đầu tư cho hạ tầng. Ông Nhân dẫn chứng, TP.HCM đóng góp 27% GDP cả nước nhưng được sử dụng có 5,2% nguồn thu.

Theo ông đây là một sự mất cân đối, bởi lẽ ra với dân số chiếm 9,5% dân số cả nước thì được dùng 9,5% ngân sách. “Chính việc mất cân đối này khiến TPHCM không có nguồn lực tài chính công để đầu tư cho hạ tầng” – ông Nhân nói.

Bí thư Thành ủy TP cho biết, lâu nay các công trình giao thông lớn ở TP.HCM đều do Bộ quản lý, thành phố muốn làm cũng không được. Chẳng hạn như đường vành đai 3 do Bộ GTVT "chủ trì".

Vì vậy, để sớm khởi công đường vành đai 3, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP.HCM xin cơ chế cho thành phố đi vay rồi Trung ương trả sau. Theo ông Nhân, nếu tuyến đường này không làm sớm mà để sang nhiệm kỳ sau (2021-2025) mới làm, khi đó dân số thành phố thêm 1 triệu dân thì giao thông ách tắc, không đi được nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận vấn đề giao thông tại TP.HCM đang rất cấp bách. Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức một hội nghị riêng về việc kết nối giao thông giữa thành phố và các tỉnh miền Tây, miền Đông để tháo gỡ các vướng mắc và bàn kĩ hơn. Ngoài ra cũng có một hội nghị khác về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà trong đó thành phố là trung tâm./.

Phi Sơn