(BVPL) - Với sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu đến từ hơn 160 nghị viện thành viên IPU, các thành viên liên kết, các quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có hơn 100 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Nghị viện các nước. IPU 132 thực sự trở thành tâm điểm chính trị để thế giới dõi theo Việt Nam trong những ngày qua.
Thảo luận các vấn đề “nóng”
Với chủ đề thảo luận “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” cho Đại hội đồng IPU-132, Việt Nam đã thực sự đưa ra các vấn đề quan trọng và cần thiết cho liên minh nghị viện thế giới, đồng thời, cũng thu hút được đông đảo dư luận và báo chí quốc tế đưa tin về các phiên họp và thảo luận xung quanh Hội nghị.
Phát biểu trên cương vị Chủ tịch IPU 132, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đại hội đồng IPU 132 diễn ra vào thời điểm quan trọng và sẽ tập trung vào các vấn đề toàn cầu như: chống đói nghèo, phát triển quản trị, bất bình đẳng, tài chính, công nghệ, năng lực, biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác.
Tại các phiên họp, đoàn đại biểu Việt Nam do bà Tòng Thị Phóng làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã điểm lại một số thành tựu trong việc thực hiện 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì nhiều mục tiêu của MDGs vẫn chưa hoàn thành, chưa giải quyết được tận gốc tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng. Điều này đòi hỏi sự tiếp tục nỗ lực, sự hợp tác của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và từng cá nhân trên phạm vi toàn cầu để phát triển thực sự bền vững. Đồng thời, Việt Nam cũng chia sẻ với bạn bè quốc tế những kinh nghiệm quý báu để thực hiện thành công những mục tiêu trên.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng khẳng định, hòa bình và an ninh được coi là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc để đảm bảo việc xây dựng và thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 và các Mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, nỗ lực phấn đấu tăng cường hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa các nguy cơ xung đột tiềm tàng và tìm giải pháp chấm dứt các cuộc xung đột hiện nay là nhiệm vụ lâu dài, cấp bách và trách nhiệm của tất cả các quốc gia. Một trong các biện pháp hữu hiệu góp phần thể hiện trách nhiệm của các nước là tôn trọng luật pháp quốc tế- nền tảng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững.
Vấn đề khủng bố đã được các nghị sĩ thảo luận và lên án gay gắt. Các đại biểu nhấn mạnh, khủng bố trở thành “bóng ma” ám ảnh với không ít quốc gia, tạo ra một hiệu ứng domino khó lường mà nạn nhân là những người dân thường, phụ nữ, trẻ em, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội cho không ít quốc gia hiện nay. Đã đến lúc thế giới cần phải ngồi lại tìm ra các biện pháp giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc kêu gọi các quốc gia có trách nhiệm tiêu diệt các phiến quân, các hành động khủng bố.
Bên cạnh đó, Liên minh nghị viện cũng thống nhất cần tiếp tục mở rộng và thúc đẩy thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu được xây dựng dựa trên việc xây dựng lòng tin và quyết tâm của các Quốc hội vì mục tiêu phát triển bền vững. Tiếp tục các nỗ lực tăng cường hợp tác hiệu quả và mạnh mẽ giữa IPU và Liên hợp quốc, phát huy vai trò của các cơ chế hợp tác liên kết kinh tế khu vực, các thể chế tài chính thương mại quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, tổ chức Thương mại Thế giới…
Nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình
Nỗ lực phấn đấu vì một tương lai không nghèo đói, không bệnh tật, hòa bình và ổn định chính là những nỗ lực mà Quốc hội các nước thành viên tham dự IPU 132 đang tích cực hướng đến.
Đại diện của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, bà Amina Mohammed khẳng định, IPU 132 là thời điểm quan trọng để hợp tác, chia sẻ làm cho thế giới phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho mọi người dựa trên 3 trụ cột chính là “ Phát triển, hòa bình và quyền con người”. Đây cũng là bước đệm để các quốc gia đánh giá và nhìn lại việc thực hiện những mục tiêu thiên niên kỉ cũng như tìm ra những phương thức mới để có thể giải quyết và thực hiện thành công các mục tiêu mà liên hợp quốc đang chuẩn bị soạn thảo và thông qua.
Chủ tịch IPU Saber Chowhury cũng nhấn mạnh, IPU 132 cần ra được Tuyên bố Hà Nội. Đây là Tuyên bố thể hiện cam kết của các nước trong giải quyết các vấn đề toàn cầu một cách bền vững. Đồng thời, nó cũng là sự khẳng định của các quốc gia trong liên minh sẽ hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong tương lai để xây dựng một môi trường hòa bình quốc tế ổn định.
Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu này sẽ còn rất nhiều thách thức đến với các nước thành viên tham dự Hội nghị, đồng thời cũng đòi hỏi cộng đồng quốc tế và các Chính phủ phải nỗ lực thực hiện và trách nhiệm nhiều hơn đối với sứ mệnh lịch sử của mình.
Nguyễn Ngọc