Ông Đinh Thế Huynh cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ đưa 6 vụ án trọng điểm ra xét xử nghiêm minh.

Sáng nay (4/10), ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri 2 quận Hải Châu và Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

 

 Ông Đinh Thế Huynh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
Ông Đinh Thế Huynh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.


Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về nạn tham nhũng còn phổ biến, tình hình phạm pháp hình sự, tội phạm giết người có tính chất man rợ gia tăng, nợ công, thực phẩm bẩn tràn lan, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.

Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét lại tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và làm rõ trách nhiệm liên quan đến thảm họa môi trường biển.

Cử tri Nguyễn Trí Tổng, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu cho rằng, đất nước còn nghèo, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nhưng tình trạng nợ công ở mức đáng lo ngại; nạn tham nhũng còn diễn biến phức tạp.

“Luật chống tham nhũng không sắc bén, kê khai mà không công khai, công khai mà không có giám sát, không có quản lý thì cũng bằng không. Tình hình này nếu kéo dài mãi, e rằng “giặc nội xâm” ngày càng phát triển, đành chịu sống chung với tham nhũng và giặc nội xâm hay sao?”, ông Nguyễn Trí Tổng bày tỏ lo lắng.

 

 Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng tiếp xúc cử tri.
Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng tiếp xúc cử tri.


Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, ông Đinh Thế Huynh cho rằng, các ý kiến của cử tri rất xác đáng và đang được quan tâm hiện nay.

Liên quan đến tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự và trách nhiệm của ông Cự đối với dự án Formosa Hà Tĩnh, ông Đinh Thế Huynh cho biết, hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình cấp phép và giám sát việc xây dựng hệ thống xả thải của Dự án Formosa Hà Tĩnh. Sau khi có kết quả sẽ xử lý theo đúng qui định của pháp luật, khi đó Quốc hội mới có căn cứ xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự.

Về vấn đề bội chi ngân sách, ông Đinh Thế Huynh cho rằng, mục tiêu giảm bội chi xuống dưới 5%. Tuy nhiên, do bộ máy hành chính còn cồng kềnh, biên chế ngày càng phình ra, chi thường xuyên và chi trả nợ công tăng lên. Vì vậy, Quốc hội tăng cường giám sát không để bội chi ngân sách vượt 5%.

Về đấu tranh phòng chống tham nhũng, theo ông Đinh Thế Huynh, từ nay đến cuối năm sẽ đưa 6 vụ án trọng điểm ra xét xử nghiêm minh. Đối với các vụ án kinh tế, tập trung thu hồi được càng nhiều càng tốt số tiền tham ô, thất thoát về cho Nhà nước, nhân dân.

“Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hết sức kiên trì và kiên quyết; vừa có cơ chế chính sách để không có khe hở để tham nhũng, nhưng vừa phát hiện, xử lý nghiêm minh những phần tử tham nhũng”, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.

Xóa bỏ đặc quyền, cơ chế xin -cho, lợi ích nhóm

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, cũng trong sáng nay, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã cùng với tổ đại biểu Quốc hội số 1, đơn vị tỉnh Đồng Nai tiếp xúc cử tri 15 phường, xã thuộc Thành phố Biên Hòa.

 

 Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri tỉnh Đồng Nai.


Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng tham nhũng bây giờ không phải là cá nhân nữa mà có sự tham gia của nhiều người và rất phức tạp. Vì thế, Đảng và Nhà nước giải quyết triệt để, phải làm sao để cán bộ không cần tham nhũng và không thể tham nhũng. Xóa bỏ đặc quyền, cơ chế xin -cho, lợi ích nhóm; việc kê khai tài sản phải thực chất, bố trí cán bộ đúng qui trình, thực hiện tiết kiệm…

Ông Phạm Bá Châu, cử tri xã Hóa An, Thành phố Biên Hòa cho rằng tham nhũng tuy có chặn đứng, đẩy lùi ở lĩnh vực này nhưng ở lĩnh vực khác lại phát sinh, lĩnh vực nào cũng có tham nhũng. Việc xử lý rất kiên quyết nhưng việc thu hồi còn chậm.

Ngoài ra, cử tri đề nghị phải xử lý nghiêm nạn phá rừng, lấn sông, lấn biển, những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường…Vận động mạnh mẽ hơn nữa các chương trình hướng về biển Đông, hỗ trợ cho ngư dân và các lực lượng cảnh sát biển…

Các vấn đề về địa phương như ngập nước nặng nề, rác thải ảnh hưởng đời sống người dân, việc thi công các công trình giao thông còn chậm, giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cần làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chế độ chính sách với người có công, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đổi mới việc tiếp xúc cử tri…cũng được cử tri có nhiều ý kiến.

Ngay tại buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề có liên quan đến địa phương đã được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương trả lời. Những vấn đề có liên quan đến Quốc hội, Chính phủ đã được đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai ghi nhận để trình lên trong kỳ họp tới./.

 

Theo VOV

.