Sau nhiều ý kiến xung quanh việc đào tạo lái xe, Bộ GTVT quyết định nâng cao chất lượng sát hạch lái xe bằng việc nâng cao quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tại các trung tâm, hạn chế tối đa gian lận, thi hộ, nâng cao kỹ năng thực tế của học viên.
Loại bỏ tối đa nhờ vả, can thiệp
Qua nhiều lần thanh tra, kiểm tra, lực lượng Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn tồn tại nhiều vấn đề như học viên chỉ nhăm nhe học lấy bằng, không quan tâm đến chất lượng thực hành; giáo viên ăn bớt giờ thực hành, cắt xén chương trình giảng dạy; một số trung tâm không đủ điều kiện về sân bãi; dư luận còn hoài nghi về sự can thiệp để “chống trượt”… Trước thực trạng này, tháng 12-2012, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 18/2012 về quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cho các Trung tâm sát hạch lái xe nhằm nâng cao chất lượng lái xe, siết chặt công tác sát hạch. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1-1-2013.
Tại Hà Nội, từ 1-9-2013, các trung tâm sát hạch lái xe đã bắt đầu thực hiện theo quy chuẩn mới. Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, so với trước thời gian thi sát hạch thực hành mô hình mới rút từ 20 phút xuống còn 15 phút, tất cả công tác thi sát hạch được vi tính hóa: “Phương pháp này hoàn toàn loại bỏ được sự nhờ vả, can thiệp từ bên ngoài”. Theo những quy định mới về đào tạo, thi cấp GPLX để được phép đào tạo, sát hạch GPLX các Trung tâm phải đổi mới toàn bộ phương tiện, áp dụng công nghệ vào giảng dạy.
Học viên “giám sát” giáo viên
Ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm dạy nghề, đào tạo và sát hạch lái xe - Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy cho thấy, từ công tác sát hạch lái xe mô tô hạng A1 đến sát hạch lái xe ô tô đều được tự động hóa, dựa trên máy móc. Thượng tá Lê Quang Bốn, Giám đốc Trung tâm cho hay, để đáp ứng theo tiêu chuẩn mới của Bộ GTVT, Trung tâm đã đầu tư nâng cấp toàn bộ từ cơ sở hạ tầng máy móc, sân bãi đến phương tiện với kinh phí gần 3 tỷ đồng (nâng cấp sát hạch xe mô tô hạng A1 và ô tô), trong đó, tập trung chủ yếu vào trang bị hệ thống camera giám sát trên xe; thay đổi hệ thống chụp ảnh trên phòng thi lý thuyết; hệ thống sát hạch lý thuyết tự động trên máy tính; đầu tư 25 xe Toyota Vios, trong đó 20 xe trong hình và 5 xe đường trường.
“Toàn bộ dữ liệu bài thi của thí sinh được thực hiện trực tiếp trên máy tính. Kết quả được tích hợp truyền về máy chủ tại Sở GTVT Hà Nội”, Thượng tá Lê Quang Bốn cho hay. Vì vậy, kể cả thí sinh sát hạch xe mô tô hạng A1 hay thí sinh sát hạch ô tô, ngay sau khi kết thúc bài thi (lý thuyết + thực hành), kết quả sẽ được hiển thị luôn trên máy tính, công khai.
Ngoài ra, sân sát hạch ô tô cũng được thiết kế lại một số tình huống như co lại chuồng, thời gian thi rút ngắn, ghi hình được toàn bộ quá trình sát hạch của lái xe. Thông qua hệ thống camera theo dõi, hội đồng sẽ giám sát toàn bộ hoạt động của học viên và giám khảo. Ngược lại, các học viên tham dự sát hạch cũng giám sát được quá trình chấm điểm của giám khảo. Mọi cá nhân đều có thể giám sát công khai, minh bạch.
Để đầu tư nâng cấp trung tâm sát hạch theo quy chuẩn mới cần kinh phí không nhỏ mà theo Thượng tá Lê Quang Bốn không phải Trung tâm nào cũng đáp ứng được. Chưa kể, Hà Nội hiện lượng trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đã vượt quá nhu cầu nên thường rơi vào tình trạng giáo viên nghỉ luân phiên, thừa xe tập. Trong khi đó, nhu cầu của người học hiện rất đa dạng, việc đào tạo cũng nên đa dạng hóa để kịp đáp ứng. Học viên không nhất thiết phải đến các Trung tâm để học lý thuyết mà có thể học ở bất kỳ đâu, theo hình thức phù hợp và siết chặt khâu sát hạch.
Theo An ninh Thủ đô